Hoàn thành dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng: Thành tựu ngoại giao và khoa học mang tính lịch sử
Đó là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ông Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại lễ ký kết thỏa thuận bàn giao đất sạch đã xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý vào sáng 7-11.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Daniel Kritenbrink kiểm tra hiện trường khu vực xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. |
Dự án vượt mục tiêu ban đầu
Theo báo cáo của Quân chủng Phòng không không quân, bắt đầu triển khai từ tháng 8-2012, Dự án Xử lý Môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ và giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng. Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 mét khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 mét khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp. USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý và khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý Giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và Giai đoạn 2 có nồng độ còn thấp hơn nữa (<1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án. Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đơn vị quan trắc độc lập dự án cho thấy, toàn bộ đất, trầm tích có nồng độ dioxin vượt ngưỡng cần tẩy độc theo TCVN 8183:2009 ở khu vực Bắc và Nam sân bay Đà Nẵng đã được đào xúc hết để tẩy độc. Nồng độ dioxin trong vật liệu ô nhiễm sau tẩy độc đều đạt mục tiêu đề ra là nhỏ hơn 150pg/g; nồng độ dioxin trong nước mặt, nước ngầm, không khí ở các khu vực tiếp giáp với khu dân cư ở mức cho phép. Phía đối tác, ông Michael Greene - Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng rằng những nỗ lực hợp tác thành công với Quân chủng Phòng không - Không Quân Việt Nam đã giúp có thêm hơn 30 ha đất phục vụ việc mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực”.
Mở ra tương lai từ thành tựu lịch sử
Ông Daniel Kritenbrink khẳng định đây là một sự kiện đặc biệt, là thành tựu lịch sử trong sự hợp tác giữa hai chính phủ Hòa Kỳ và Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ nhấn mạnh, xử lý thành công ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng là hai nước đã cùng nhau giải quyết một cách có trách nhiệm các vấn đề di sản còn lại của chiến tranh và chuyển một nội dung gây bất đồng thành một nội dung để cộng tác. Quá trình làm việc cùng nhau để xử lý hậu quả của chiến tranh, phía Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng lòng tin chiến lược, phục vụ lợi ích chung của chính phủ và người dân. Việc bàn giao hơn 30ha đất sạch cho Tổng Cty Hàng không Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm một cơ hội phát triển kinh tế cho thành phố Đà Nẵng. “Trong hơn 6 năm qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Việt Nam để giúp TP Đà Nẵng và đất nước Việt Nam an toàn hơn. Và giờ đây chúng tôi sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ hợp tác này tại Biên Hòa”, ông Daniel Kritenbrink thông báo, đồng thời khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ cam kết sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam giải quyết những di sản chiến tranh, đồng thời tiếp tục tăng cường mối quan hệ an ninh quốc phòng, kinh tế và văn hóa. Ông cũng cho biết, khu vực sân bay Biên Hòa là một điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. USAID đã ký Thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến là 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu đây trong giai đoạn 5 năm đầu. “Trên tinh thần cộng tác và hiểu biết lẫn nhau, chính phủ Hòa Kỳ sẽ cùng chính phủ Việt Nam khép lại di sản chiến tranh này, giải tỏa trái tim và tâm trí của nhân dân 2 nước để tập trung vào tương lai mà chúng ta cùng chia sẻ”, ông Daniel Kritenbrink nói.
Lo âu của người dân Đà Nẵng được giải quyết
Phát biểu tại buổi Lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, kết quả Dự án đã chứng minh tính hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực: môi trường, KT-XH, sức khỏe cộng đồng, đối ngoại...; đem lại những bài học về công tác quản lý, giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Đây cũng là dự án thể hiện cam kết và sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ, đáp ứng sự mong mỏi nhân dân Việt Nam về một môi trường sống không còn bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định, nhận bàn giao dự án cũng đồng nghĩa với việc sân bay Đà Nẵng không còn tên trong danh sách các khu vực nhiễm dioxin tại Việt Nam. Những lo âu của người dân Đà Nẵng bấy lâu đã được giải quyết, thay vào đó là cơ hội để mở rộng sân bay, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế để người dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh lưu ý, dự án kết thúc nhưng vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ cho các bộ ngành và chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác thực hiện công tác quan trắc lâu dài, đảm bảo duy trì môi trường trong sạch phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Sau đó cần có báo cáo đánh giá về kết quả Dự án để công bố quốc tế. Sau thành công ở sân bay Đà Nẵng, trong năm 2019 cả Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ triển khai cam kết của lãnh đạo cấp cao hai bên, sớm khởi động dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. “Với quan hệ ngày càng phát triển giữa 2 quốc gia, chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả khác liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
CÔNG KHANH