Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng
(Cadn.com.vn) - Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế, cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.
Như vậy, Đảng ta đã xác định rõ hai nguyên tắc nền tảng cần quán triệt trong việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là: bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp với kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ chế bảo vệ hiến pháp là một bộ phận của cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế này phải quán triệt hai nguyên tắc trên.
Mối quan hệ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không phải là tách biệt, “kìm hãm, đối trọng” nhau, mà là phối hợp, hỗ trợ nhau cùng thực hiện quyền lực nhà nước. Hoạt động của cơ chế bảo vệ hiến pháp, do vậy, cũng phải đảm bảo cho mối quan hệ giữa các cơ quan này theo đúng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát trong hệ thống quyền lực thống nhất. Đây là đặc trưng cơ bản của cơ chế bảo vệ hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa nếu so sánh với cơ chế bảo vệ hiến pháp trong nhà nước pháp quyền tư sản, vận hành theo nguyên tắc tam quyền phân lập.
Quan điểm về việc bảo đảm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Những quy định về bảo vệ hiến pháp phải do nhân dân tham gia xây dựng, thực sự thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng bào, chiến sĩ cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của Dự thảo, trong đó đa số ý kiến đề nghị duy trì, phát huy hiệu quả của cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành và không cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng cho thấy, trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ... trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp quy định, đã làm tốt việc giám sát thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền được thực hiện trên thực tế.
Vấn đề đặt ra là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp và không thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Văn Minh Đức