Hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ di sản tư liệu theo điều ước quốc tế

Thứ hai, 13/05/2024 10:00
Cùng với việc “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” vừa được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, đến nay, Việt Nam có 10 di sản tư liệu (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương) được UNESCO ghi danh.

Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một Chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so vói Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều). Trong đó, có riêng một chương về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60).

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.

Riêng về di sản tư liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin: Khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế, di sản tư liệu được UNESCO công nhận, xác định là một loại hình di sản độc lập với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002.Thời điểm đó, Việt Nam đã là thành viên của chương trình này và thống nhất cam kết thực hiện điều ước. Do đó, phải có một điều khoản riêng, xây dựng riêng một chương về di sản tư liệu trong Luật để phù hợp với quốc tế.

Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển…

T.G-B.T