Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (13)

Thứ sáu, 17/01/2014 13:00

* PHẦN CUỐI: Người Đà Nẵng với Hoàng Sa

* Bài 13: Những ngày ở Hoàng Sa

(Cadn.com.vn) - Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam nói chung và của Đà Nẵng nói riêng, điều này không chỉ thể hiện về phân bố địa lý hành chính mà còn gắn với từng số phận con người. Tiếp tục loạt bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về những con người ấy.

Lần giở lại những kỷ vật một thời về Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Cúc, hiện trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng lại dâng trào cảm xúc. Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng 1, hình ảnh về Hoàng Sa lại hiện về trong tâm trí ông. “Tôi Ra Hoàng Sa ba lần với nhiệm vụ là khảo sát, sửa chữa xây dựng đảo. Trong lần thứ 3, tôi ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa để làm sân bay và lần đó Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa. 40 năm rồi, chưa lúc nào tôi quên được ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm”, ông Cúc bộc bạch.

“Thời điểm đó căng thẳng lắm vì tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích và uy hiếp. Đoàn của chúng tôi lúc đó đã hoàn tất công việc, lên tàu hải quân để trở về đất liền, tuy nhiên liên tục bị tàu của Trung Quốc ngăn cản.  Vì vậy chúng tôi được đưa trở lại đảo Hoàng Sa, hôm đó là ngày 18-1-1974. Trong những ngày 17 và 18 - 1, Trung Quốc tăng cường lực lượng, cố tình khiêu khích và các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía Tây quần đảo Hoàng Sa. VNCH cũng điều nhiều chiến hạm đến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân VNCH và hải quân Trung Quốc đã nổ ra vào sáng 19 -1 -1974. Trong trận hải chiến đó, đứng trên đảo chúng tôi có thể nghe tiếng đại bác và nhìn thấy được tàu hải quân VNCH đánh nhau với tàu Trung Quốc. Không lâu sau đó lính Trung Quốc tràn vào đảo rất đông, lính trên đảo không thể chống cự được nên bị bắt hết. Lúc đó tôi chạy ra trốn trong lùm cây, với ý định chờ đến đêm, dùng xuồng bơi thoát ra khỏi đảo nhưng đến chiều thì bị phát hiện và bắt giữ. Khi chiếm đảo, lính Trung Quốc đào công sự vì sợ VNCH sẽ tái chiếm đảo, sau đó chúng còn đập phá bia chủ quyền, đào các mộ người Việt chôn tại đây, chúng cố tình xóa các di tích người Việt trên quần đảo Hoàng Sa”, ông Cúc nhớ lại.

Ông Trần Đình Mạng với những vỏ ốc ông mang về từ Hoàng Sa thuở nào.

Kết thúc trận hải chiến, 58 binh sĩ quân đội VNCH đã tử trận trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa và có 29 người bị bắt giữ, sau một tháng mới được trao trả, ông Cúc là một trong 5 người đầu tiên được trao trả. “Cùng bị bắt giữ với chúng tôi còn có một người Mỹ,  sau khi đưa về đảo Hải Nam chúng chuyển chúng tôi đến Quảng Đông để nhốt. Rồi một hôm chúng mang đến giấy và bút, nói chúng tôi viết ra giấy khẳng định Hoàng Sa của Trung Quốc nhưng anh em cương quyết không viết”, giọng ông Cúc bồi hồi.

Vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày ở Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Nhự (thôn Bắc An, xã  Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) kể: “Mỗi năm, Ty Khí tượng thủy văn có 2 tổ nhân viên, mỗi tổ gồm 7 người được cử ra làm việc tại đảo Hoàng Sa. Tổ của tôi gồm 7 người được cử ra Hoàng Sa vào năm 1969 công tác trong thời gian 3 tháng. Hằng ngày nhân viên khí tượng của chúng tôi điều chế khí hydro để bơm vào 2 quả cầu thả lên không trung để đo đạc, theo dõi thời tiết, sau đó báo cáo về Ty Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ tại Đà Nẵng.

Ngoài ra trên vùng biển Hoàng Sa, hằng ngày ngư dân của ta ra đánh bắt cá rất nhiều. Những năm đó, Hoàng Sa không chỉ được bảo vệ mà còn tổ chức khai thác sản vật nữa”. Còn ông Trương Văn Quảng (trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) nguyên là quân nhân kỹ thuật cơ khí trên chiến hạm HQ-400 của VNCH kể: “Từ năm 1959 đến 1972, chiến hạm HQ-400  có hơn 10 lần chở nước ngọt, lương thực và vũ khí ra tiếp tế cho đảo Hoàng Sa, trong những lần ấy, tôi đều có mặt. Từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa gần lắm. Tàu cập cảng Tiên Sa nhận lương thực, nước ngọt xong thì khoảng 6 giờ chiều đã nhổ neo lên đường, vào 10 giờ hôm sau là tàu đã có mặt ở Hoàng Sa.

40 năm đã trôi qua nhưng lúc nào ông Nguyễn Văn Cúc cũng đau đáu về Hoàng Sa.

Ngoài việc tiếp tế, chiếm hạm HQ-400 còn làm nhiệm vụ tuần tiễu và yểm trợ cho các hoạt động khai thác thủy sản và khoáng sản ở Hoàng Sa. Rất nhiều lần chúng tôi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển nên chặn lại và yêu cầu  rời khỏi vùng biển Việt Nam, họ đều chấp hành”. Kỷ niệm về Hoàng Sa đối với ông Quảng là những lần cùng bạn bè câu cá mập, bắt ốc tai tượng, thư giãn trên dải cát rộng lớn và mang về những bao cá khô làm quà biếu người thân. “Tôi có nhiều người bạn đã tham gia trong trận hải chiến đó. Khi được đưa về Đà Nẵng chữa trị, họ kể với tôi rằng, chiến hạm HQ 10 bị đánh đắm, hai chiến hạm khác Trần Khánh Dư và Trần Hưng Đạo bị tổn thất nặng nên phải về Đà Nẵng. Trung Quốc cũng bị thiệt hại nặng, khi có một tàu chiến bị bắn chìm, hai tàu khác bị bắn cháy phải tháo chạy. Lúc đó, Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn đã điều động 2 hải đội, mỗi hải đội có từ 15 đến 20 chiến hạm với mục đích chiếm lại Hoàng Sa. Những người lính hải quân như chúng tôi đều quyết tâm lên đường thế nhưng phút cuối  kế hoạch đó không thực hiện được. Điều đó dằn vặt tôi suốt bao nhiêu năm qua vì không giữ được Hoàng Sa”, ông Quảng  trầm ngâm.

Tâm trạng của ông Quảng cũng là nỗi đau chung của người Việt Nam khi mà một phần lãnh thổ của Tổ quốc vẫn còn nằm trong tay ngoại bang. Ông Trần Đình Mạng (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Hoàng Sa. Vào năm 1968 ông Mạng là một cơ sở cách mạng, tuy nhiên sau đó bị bắt lính và đưa ra Hoàng Sa. “Tôi ra Hoàng Sa vào tháng 4-1969, ở đó đến tháng 7 thì về. Trên đảo Hoàng Sa chim, cá nhiều vô kể, hằng ngày ngoài việc tuần tra, tôi còn đi câu cá, bắt chim. Trên đảo không có ai biết tôi là người của cách mạng. Dù khác nhau về nhận thức nhưng tôi và những người khác trên đảo đều chung quyết tâm bảo vệ đảo vì ai cũng biết đó là biển đảo thiêng liêng của cha ông để lại. Dù bây giờ Trung Quốc tạm thời chiếm đóng, nhưng tôi tin ngày nào đó chúng ta sẽ đòi lại được Hoàng Sa”, ông Mạng tâm sự.

Lưu Hoàng Anh
(còn nữa)