Hoạt động của ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Thứ tư, 05/05/2021 15:51

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/05/1951 - 06/05/2021), phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng (NHNN-CNĐN) về những kết quả mà NHNN-CNĐN đã đạt được trong thời gian qua cũng như định hướng phát triển trong thời gian đến. 

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Đà Nẵng.

P.V: TP Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có đóng góp tương đối vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Trong đó, phải nói đến sự đóng góp của ngành Ngân hàng TP trong việc tạo lập nguồn vốn và là cầu nối triển khai cơ chế chính sách cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Xin ông cho biết những đóng góp của ngành Ngân hàng TP trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển kinh tế của địa phương ?

Ông Võ Minh: Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các đơn vị trong toàn ngành, hoạt động ngân hàng TP trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Những kết quả nổi bật như sau: về mạng lưới: đến cuối năm 2020, trên địa bàn TP có 61 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 249 phòng giao dịch (PGD) với sự đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức pháp lý (14 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần Nhà nước chi phối, 1 ngân hàng Chính sách xã hội, 36 chi nhánh ngân hàng TMCP, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 5 chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 3 TCTD phi ngân hàng). Các đơn vị này được phân bố đều khắp ở các quận, huyện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giao dịch. Tính đến cuối tháng 3-2021, tổng huy động vốn và cho vay của các TCTD trên địa bàn TP lần lượt đạt 143.812 tỷ đồng và 185.126 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng của hoạt động huy động vốn hơn 289%, cho vay hơn 315%/năm. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, lãi suất được duy trì ổn định và có xu hướng giảm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn 3% theo chủ trương của Ngân hàng Trung ương, góp phần đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng.  Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2020, NHNN CNĐN đã xác nhận đăng ký 165 khoản vay với tổng kim ngạch vay 176,32 triệu USD (các doanh nghiệp đăng ký vay nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp FDI, nhu cầu vay phần lớn phục vụ các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn); luôn thể hiện vai trò cánh tay nối dài trong việc triển khai các cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN); tích cực phối hợp với các TCTD trên địa bàn TP chú trọng phổ biến những quy định của pháp luật Việt Nam và hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp và người dân thông qua việc triển khai cơ chế chính sách về cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay theo các Nghị định 55 và Nghị định 67 của Chính phủ, cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp… và gần đây nhất là triển khai thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNNVN trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

P.V: Ngân hàng số là quá trình phát triển tất yếu của ngành Ngân hàng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xin ông cho biết thực trạng phát triển ngân hàng số trên địa bàn TP hiện nay ?

Ông Võ Minh: Việc thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" là tiền đề để phát triển ngân hàng số trên địa bàn TP trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Hiện nay, nhờ việc các ngân hàng trên địa bàn đang tích cực chuyển đổi số, đa dạng các hình thức quảng bá sản phẩm dịch vụ mà hoạt động ngân hàng số trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Cụ thể, trên địa bàn TP hiện có 51 chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua internet với tổng giá trị giao dịch đạt 140.088 tỷ đồng (tăng 22,88% so với cùng kỳ năm 2019), 47 chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua Mobile Banking với tổng giá trị giao dịch đạt 222.534 tỷ đồng (tăng 189,76% so với cùng kỳ năm 2019). Một số ngân hàng thương mại đã phát sinh mở tài khoản bằng phương thức điện tử như: Vietinbank, BIDV, Vietabank, VietCapital Bank, VPBank và Shinhan với số lượng tài khoản mở thành công tính đến 31/3/2021 là 10.553 tài khoản. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP cũng tích cực phối hợp với các đơn vị bán lẻ để triển khai kết nối thanh toán QR code, phối hợp với các công ty trung gian thanh toán để triển khai thanh toán qua ví điện tử, kết nối với các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp và tổ chức khác nhằm triển khai hình thức thanh toán trực tuyến, đáp ứng nhu cầu thu chi ngân sách Nhà nước qua ngân hàng. Nhờ công tác phối hợp tích cực và hiệu quả, tính đến cuối năm 2020, đã có 31 chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ QR code với số lượng giao dịch đạt 148.211 món, giá trị giao dịch đạt 350 tỷ đồng, tăng 25 lần so với giá trị giao dịch năm 2018; giao dịch qua ví điện tử năm 2020 là 296.611 món và giá trị giao dịch đạt 895 tỷ đồng; giao dịch nộp thuế qua ngân hàng đạt 98%; 100% khách hàng nộp tiền điện, 99% khách hàng nộp tiền nước qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán; có 90% trường học và 100% cơ sở y tế triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Ngân hàng TP chuyển đổi sang ngân hàng số trong thời gian đến.

P.V: Ông có thể cho biết vai trò của NHNN-CNĐN trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào?

Ông Võ Minh: Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ - ngân hàng trên địa bàn TP, NHNN-CNĐN tập trung chủ yếu vào việc thực hiện các nội dung sau đây: một là, phát triển ngành Ngân hàng TP theo hướng bền vững, hiện đại, an toàn, hiệu quả (điều hành lãi suất hợp lý trong từng thời kỳ, giảm tỷ lệ nợ xấu, tăng cường tối đa khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp phục vụ SXKD; đẩy mạnh hiện đại hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng, bắt kịp cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đa dạng hóa các dịch vụ tài chính...); hướng đến hoàn thiện "Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực Miền trung - Tây nguyên" theo chủ trương của UBND TP. Hai là, làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'' theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ba là, tiếp tục triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" đã được UBND TP phê duyệt nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao kiến thức thanh toán, đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, thông qua đó cho phép tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Đây là tiền đề để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP trong năm 2021 và các năm tiếp theo, góp phần thực hiện Đề án "Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2035" của UBND TP. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là trong hoạt động ngoại hối (vay, trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài; đại lý đổi ngoại tệ…); tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp về thủ tục pháp lý trong việc góp vốn đầu tư vào Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, làm cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao độ của ngành Ngân hàng TP và sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, TP Đà Nẵng nói chung, NHNN-CNĐN nói riêng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

P.V: Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động của các ngành kinh tế trên địa bàn TP bị ảnh hưởng rất nặng nề, cần có sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành Ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng TP trong thời gian qua ?

Ông Võ Minh: Thực hiện chỉ đạo của NHNNVN, thời gian qua các TCTD trên địa bàn TP đã căn cứ thực tế ảnh hưởng của khách hàng và khả năng tài chính triển khai kịp thời các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu, triển khai nhiều chương trình cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể như sau: NHNN-CNĐN tiếp tục chỉ đạo các TCTD cập nhật thông tin và xử lý kịp thời, giải quyết khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNNVN, yêu cầu các TCTD báo cáo kịp thời về Hội sở và NHNN-CNĐN để được hướng dẫn; tiếp nhận và trả lời bằng văn bản các ý kiến về khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid -19 liên quan đến Thông tư 01 cho các hiệp hội, doanh nghiệp trên TP, đồng thời, thông qua đường dây nóng, NHNN-CNĐN đã tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp và người dân về các biện pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; chủ động báo cáo UBND, phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xử lý các kiến nghị về hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; chỉ đạo và phối hợp với các TCTD trên địa bàn xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế; đã có Công văn số 811/ĐAN-TH&KSNB ngày 09/09/2020 gửi Thống đốc NHNNVN đề xuất các kiến nghị xem xét hỗ trợ cho khách hàng trên địa bàn TP trong giai đoạn tâm dịch; đồng thời tham mưu cho UBND TP văn bản gửi Thống đốc NHNNVN đề xuất hỗ trợ cho khách hàng trên địa bàn và NHNNVN đã có Công văn số 7040/NHNN-TD ngày 25/9/2020 trả lời cho UBND TP; triển khai thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của NHNNVN về các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP... Về kết quả: đến ngày 31/3/2021, tổng dư nợ bị thiệt hại trên địa bàn TP do dịch Covid-19 gây ra là 58.039 tỷ đồng, các TCTD đã có các biện pháp xử lý tháo gỡ khó khăn như: số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 7.274 tỷ đồng với 4.008 khách hàng; số dư nợ đã được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ 3.235 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm là 16 tỷ đồng với 245 khách hàng; doanh số cho vay mới lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 3/2021 là 47.276 tỷ đồng với 9.174 khách hàng.

P.V: Công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với hỗ trợ doanh nghiệp đã được NHNN-CNĐN xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng. Ông hãy cho biết đến thời điểm hiện nay ngành Ngân hàng TP đã thực hiện chủ trương này như thế nào?

Ông Võ Minh: Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 và số 35 của Chính phủ, Chương trình hành động 1355 của NHNNVN, NHNN-CNĐN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng TP, trong đó xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành ngân hàng trên địa bàn, thể hiện qua các mặt: Về cải cách thủ tục hành chính tại NHNH-CNĐN: đã thực hiện tốt quy trình ISO vào giải quyết thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm thời gian đi lại, thuận lợi cho khách hàng; tất cả hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hạn, trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn đáng kể, bình quân giảm từ 5 - 15 ngày so với thời gian quy định. Về cải cách các thủ tục hành chính trong quan hệ giữa TCTD với khách hàng: các TCTD thực hiện niêm yết và chủ động cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin liên quan đến giao dịch khách hàng; tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình hướng tới khách hàng, giải quyết nhu cầu vay vốn cho doanh nghiệp nhanh, gọn song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; tăng cường công tác truyền thông về các chương trình, chính sách của Hội sở; tập trung nguồn vốn, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ SXKD. Cùng với công tác cải cách hành chính, với sự chỉ đạo sâu sát của NHNN, đặc biệt là Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã góp phần giúp TP đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2020 là 6,30%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 57.487 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,84% tổng dư nợ. Năm 2020: các TCTD trên địa bàn cho vay theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với dư nợ đạt 2.636 tỷ đồng, cho 535 lượt doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, các TCTD còn giảm lãi suất cho 36 DN với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 334,1 tỷ đồng.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !

PHÚ NAM (thực hiện)