Hoạt động không phép, Grab car tung hoành Đà Nẵng
* Bài 1: Chưa phép, Grab car vẫn đạp ga rợp phố
(Cadn.com.vn) - Từ cuối 2016 đến nay, một loại hình kinh doanh vận tải khách mới đang hoạt động rầm rộ tại Đà Nẵng: Grab car. Chính quyền TP dù đã lên tiếng chưa đồng ý thí điểm triển khai ứng dụng Grab car, nhưng hàng loạt đầu xe tham gia ứng dụng này vẫn hoạt động. Không chỉ gây bức xúc cho các hãng taxi truyền thống, cách kinh doanh “ngon ăn”, không lo gánh nặng về thuế của Grab car còn có nguy cơ đẩy gánh nặng ùn tắc giao thông cho Đà Nẵng. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng thâm nhập thực tế để có cái nhìn toàn cảnh...
Ngày 14-2, TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT với nội dung chưa đồng ý thí điểm triển khai ứng dụng Grab car, chúng tôi đã cất công đặt chỗ, lên xe để hiểu rõ hơn về cách kinh doanh, hình thức ăn chia lợi nhuận của Grab car đang hợp tác với hàng loạt chủ xe tư nhân. Phải thừa nhận là rất “vip”, rất tiện lợi từ chất lượng xe đến phương thức “giao dịch”. Chỉ cần cài đặt ứng dụng Grab car trên điện thoại thông minh rồi thêm vài lần nhấp chuột chọn điểm đi, điểm đến, lập tức biết ngay số tiền phải trả. Khi đồng ý chọn dịch vụ vận chuyển, xe của Grab car sẽ điện thoại liên lạc và đón khách sau vài phút.
Chỉ sau 2 phút đặt chỗ, một xe Grab nhanh chóng đón khách. |
Tiếp nhận thông tin phản ánh của chúng tôi, thời điểm nửa đầu tháng 2-2017, Thanh tra Sở GTVT đã mật phục bắt quả tang xe sử dụng ứng dụng của Grab car BKS 92A-03xxx do tài xế T.T. điều khiển vận chuyển khách từ trung tâm TP vào Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Qua xác minh thông tin khách và kiểm tra giấy tờ có liên quan, lực lượng làm nhiệm vụ đã ra quyết định xử phạt lái xe hành vi “điều khiển ô-tô khách không có phù hiệu theo quy định pháp luật” với mức 4 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng.
Trong cuộc “giao dịch” với Grab car ngày 22-2, chúng tôi đặt chỗ từ đường Nguyễn Chí Thanh (cạnh Nhà hát Trưng Vương), điểm đến là Bệnh viện Quân y 17, đường Nguyễn Hữu Thọ. Tổng đài Grab car thông báo: Xe BKS 43A-25xxx do tài xế H.P sẽ đến đón quý khách. Liền đó, tài xế điện thoại hỏi địa chỉ cụ thể và đón chúng tôi sau 2 phút. Trên đường đi, khi được hỏi về lời lãi từ hình thức kinh doanh này, tài xế P. “khai”: Đăng ký tham gia hợp tác với Grab car, ai siêng chạy cũng kiếm ăn khá. Bình thường, mỗi nhà xe lúc tham gia sẽ nộp 500 - 1 triệu đồng (tùy chủ xe cược). Tỷ lệ ăn chia sau mỗi chuyến đi là 80-20. Ví dụ, chặng đường vận chuyển khách tổng cộng 100 ngàn đồng thì Grab car hưởng 20 ngàn đồng, số còn lại chủ xe hưởng. Về cách thu tiền 20%, Grab car sẽ trừ trong số tiền chủ xe cọc. Khi tiền cọc hết, chủ xe lại nộp, lại tham gia chạy đón khách. Trong chuyến thực tế phối hợp với lực lượng chức năng lần này để làm rõ kiểu kinh doanh chưa phép của Grab car, có lẽ tài xế và tổng đài phát hiện ra nên Grab car đã chặn ứng dụng chúng tôi cài đặt trên điện thoại, sau đó gửi tới một tin nhắn với nội dung: “Grab xin thông báo, hệ thống đã phát hiện một số hoạt động nghi ngờ trong lịch sử chuyến đi của đối tác. Chúng tôi buộc phải tạm ngừng hoạt động tài khoản sử dụng ứng dụng Grab của đối tác”…
Điện thoại thông minh hiển thị hàng chục xe Grab trong một đoạn đường. |
Sau khi nghi ngờ, tổng đài lập tức tạm dừng hoạt động tài khoản sử dụng ứng dụng Grab. |
Thử làm một thống kê sau những chuyến thực tế, mới biết lượng xe hợp tác với Grab car nhiều vô kể. Thông thường vào ứng dụng, khi gõ bất kỳ tuyến đường nào cần đi, cần đến, hình ảnh xe của Grab car đậu đỗ tại khu vực lân cận hiện lên màn hình rất nhiều, có điểm hàng chục xe. Dù không thể có con số thống kê chính xác, nhưng toàn TP với hàng trăm tuyến đường mà đa số tuyến đường đều có xe đậu đỗ cho thấy lượng xe hợp tác với Grab car phải lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn chiếc. Grab car nhiều xe, giá cũng rẻ nên được khách hàng lựa chọn nhiều. Đơn cử, chúng tôi đứng tại Nhà hát Trưng Vương và chọn điểm đến là Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, có thời điểm Grab car đưa ra số tiền 39.000 đồng, nhưng có khi giá “đao” xuống 30.000 đồng, có lúc lại nhảy lên 43.000 đồng. Trong khi đó cùng chặng đường, taxi truyền thống ở mức 55 - 60 ngàn đồng, tùy xe 4 hay 7 chỗ. Với mức giá này, đương nhiên khách hàng sẽ lựa chọn Grab car, vừa rẻ hơn lại vừa khỏi tốn thêm tiền gọi tổng đài taxi…
Rõ ràng, khi Đà Nẵng chưa đồng ý thí điểm dịch vụ Grab car tại địa phương, đồng nghĩa với việc Grab car hoạt động vận chuyển khách là vi phạm. Theo Phòng CSGT, thời gian gần đây mật độ các loại phương tiện của TP đang gia tăng chóng mặt. Trong năm 2016, số lượng xe máy đang quản lý đã lên đến trên 800.000 xe, so với năm 2015 tăng gần 42.000 xe, và chắc chắn sẽ tăng hơn nữa trong năm 2017. Tương tự, ô-tô cũng tăng từ 51.227 xe năm 2015 lên 61.211 xe năm 2016. Vì vậy, nếu không quản lý chặt loại hình hoạt động của Grab car, sẽ là tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và những hệ lụy khác, nhất là giờ cao điểm.
Nói về hoạt động của Grab car, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP, những ngày qua, các tổ tuần tra Thanh tra Sở liên tục TTKS để xử lý vi phạm của loại hình kinh doanh thông qua ứng dụng của Grab car. Theo đó, đã có hơn 10 trường hợp bị xử phạt với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng, hầu hết rơi vào các lỗi: “Điều khiển ô-tô vận chuyển hành khách không có phù hiệu theo quy định của pháp luật”, “điều khiển ô-tô, kinh doanh vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”. Theo ông Nghĩa, lực lượng thanh tra giao thông đã và đang triển khai mật phục xử lý loại hình kinh doanh này, xong để có kết quả khả quan, chính quyền TP cần tổ chức buổi làm việc với đại diện Grab car tại Đà Nẵng và có biện pháp chế tài.
Mới đây, trả lời các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, trước đây Chính phủ cho phép 5 TP gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa được phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử Grab car trong điều hành vận tải thông qua hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, việc thí điểm không bắt buộc, nên nếu Đà Nẵng thấy chưa cần thiết ứng dụng là quyền của Đà Nẵng, chứ không ép buộc.
Hoàng Nam - Đông A
(còn nữa)