Học cách làm bảo tàng như Lâm Đồng

Thứ ba, 04/08/2015 08:40

(Cadn.com.vn) - Có dịp đến thăm Bảo tàng Lâm Đồng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) mới thấy được cách thức xây dựng bảo tàng ở đây vô cùng thú vị. Vừa là nơi lưu trữ lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Lâm Đồng còn là nơi quảng bá đến du khách những đặc trưng du lịch của xứ sở sương mù. Có lẽ vì vậy mà so với một số bảo tàng khác đang chịu cảnh “cửa đóng then cài”, Bảo tàng Lâm Đồng đang là một điểm đến hấp dẫn du khách. Năng động-sáng tạo-hiệu quả đó là những gì nhiều người có thể nhận thấy khi đến thăm Bảo tàng Lâm Đồng. Bảo tàng được đặt tại một đỉnh đồi trên một con dốc quanh co có tên “Con đường tình ái”, nằm ngay cạnh “Biệt thự mùa đông” vốn là dinh thự của Nam Phương Hoàng Hậu. Bảo tàng có tổng diện tích 2.000 m2 bao gồm 6 phần trưng bày theo các chủ đề: thiên nhiên Lâm Đồng, Đà Lạt xưa và nay, những phát hiện khảo cổ, đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số, Lâm đồng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, sản phẩm đặc sản.

Sở dĩ nói Bảo tàng Lâm Đồng năng động bởi nó phục vụ cho nhiều lứa tuổi, nhu cầu khác nhau. Từ những mô hình cư dân di cư từ mọi miền đến Đà Lạt những năm 80 đến những mô phỏng rất giản dị về đời sống sinh hoạt tạo cho người xem không khí của Đà Lạt những năm đầu giải phóng. Những phụ nữ trong trang phục áo len đang bán bánh cuốn, những nữ sinh trong tà áo dài ôm cặp đi học tạo nên một Đà Lạt rất riêng. Bên cạnh đó khu trưng bày những loài động vật quý hiếm thu hút những du khách nhỏ tuổi. Những con vật như vượn, nai, chồn, gấu được đặt trong những lồng kính bên trong được trang trí như một khu rừng nhỏ tạo không khí hoang dã cho người xem. Thế nhưng điều tôi đặc biệt ấn tượng đó chính là việc đưa các loại rau củ quả, rượu vang vốn thông dụng nhưng lại là đặc trưng của Đà Lạt vào trưng bày, là sự sáng tạo rất cao của các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng. Với chủ trương đa dạng hóa các hoạt động thu hút khách tham quan và du lịch nơi đây đang định hình như một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Nhà sàn đặc trưng của các dân tộc bản địa Mạ, Cơ Ho, Chu Ru được sưu tầm và tổ chức giới thiệu một số sinh hoạt truyền thống như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, uống rượu cần... Tại đây còn biểu diễn cồng chiêng để du khách được thưởng lãm trực tiếp hằng đêm. Thông với Bảo tàng là show room Hoa tươi mãi mãi với những loài hoa đặc trưng của Đà Lạt được bảo quản theo công nghệ Nhật Bản. Như một vườn hoa đang khoe sắc, show room vừa có chức năng trưng bày, quảng bá vừa là nơi mua sắm quà tặng thú vị. Từ sự sáng tạo - năng động đó đã đưa đến một hiệu quả rất lớn. Bảo tàng Lâm Đồng không chỉ là nơi trưng bày mà còn là một khu tham quan giải trí đầy thu hút đối với du khách gần xa.

Sản vật địa phương được trưng bày tại bảo tàng Lâm Đồng.

Hiện nay tại Quảng Nam cũng đã xây dựng được những bảo tàng lớn như Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, bên cạnh đó còn có một số nhà trưng bày cổ vật Chămpa nhưng đều rất vắng khách. Đây là những bảo tàng có sự đầu tư lớn, trưng bày nhiều hiện vật, tuy nhiên phải thừa nhận rằng bảo tàng chưa có một hướng đi hiệu quả để phát triển thế mạnh ấy. Quảng Nam là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử lâu đời vì vậy sự phát triển mô hình bảo tàng gắn với phát triển du lịch tại địa phương là vô cùng cần thiết nhất là trong giai đoạn Quảng Nam đang đẩy mạnh các hoạt động về du lịch song song với phát triển kinh tế - xã hội. Thiết nghĩ các ngành chức năng tại địa phương cần vạch ra một hướng đi mới đa dạng hơn để bảo tàng có thể phát huy sức mạnh tiềm tàng tránh lãng phí và góp phần thay đổi bộ mặt văn hóa tại địa phương.

Đồng Dao