Học dưới lán trại dã chiến

Thứ năm, 14/12/2017 11:26

Trong hành trình di dời đến nơi ở an toàn, thoát khỏi hiểm nguy cùng ba mẹ, học sinh mầm non, tiểu học thôn 2, xã Trà Vân, H. Nam Trà My, Quảng Nam phải cùng thầy cô vượt khó tìm con chữ ngay dưới lán trại của bộ đội.

Dù rất vất vả nhưng cô giáo Ngọ quyết không để học sinh bỏ học một bữa nào.

Lớp học có "một không hai"

Địa điểm mà bộ đội đóng quân dựng lán trại để làm nhà mới cho 144 hộ dân di dời khỏi vùng nguy hiểm xuất hiện sau trận mưa bão kéo dài hồi tháng 11 vừa qua được gọi là Khe Chữ, chỉ cách trung tâm xã Trà Vân khoảng 7km. Đây là nơi mà chính quyền địa phương và quân đội đã tiến hành khảo sát rất kỹ càng trước khi quy hoạch 36 ha bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân tái định cư.

Đã qua những ngày mở đường, dắt díu nhau đến vùng đất mới, sau khi ổn định nơi ở tạm chờ ngày về nhà mới, nỗi lo bây giờ chính là chuyện học hành cho lũ trẻ. Vì sinh hoạt có thể đảo lộn, chuyện ăn uống có thể tạm qua ngày nhưng công sức vận động từng học trò ra lớp không thể đổ sông đổ biển ở một nơi tốt hơn như thế. Vì vậy, một lớp học đặc biệt đã được lập ngay dưới lán trại của cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam vừa dựng lên để tập kết vật liệu, trang thiết bị làm nhà cho 144 hộ dân thuộc diện di dời. Nói đây là lớp học đặc biệt vì trong một căn phòng nhỏ khoảng 10m2 có cả 2 lớp học cùng hoạt động. Một bên là chiếc bàn gỗ mượn tạm của các chú bộ đội dành cho 27 học sinh thuộc lớp 1-2, còn chiếc bàn nhựa đặt ở góc là lớp của các em mẫu giáo.

Thầy giáo Lê  Châu Khánh, người phụ trách lớp ghép có "một không hai" này cho biết, đã 5 năm làm giáo viên ở vùng xa xôi, hẻo lánh này nhưng chưa bao giờ thầy phải cùng lúc dạy cho các em thuộc hai khối lớp khác nhau trên một cái bàn lớn. "Bão số 12 đi qua, mưa gió, sạt lở làm rất nhiều sách vở của các em bị thất lạc, rách ướt. Giờ lại phải chuyển đến một nơi ở tạm thì việc học trở nên khó khăn rất nhiều. Mặc dù vậy, chính quyền xã và ngành giáo dục quyết tâm không để việc học bị ngắt quãng. Bằng mọi cách phải vận động các em ra lớp, đảm bảo sĩ số. Thương các em lắm, mong có một ngôi trường mới nơi làng mới để hành trình tìm con chữ của các em bớt khó khăn", thầy Khánh mong mỏi.

Ngay bên "lớp" thầy Khánh, cô giáo Hồ Thị Ngọ đang bị cảm lạnh nhưng vẫn cố gắng bám lớp để kèm cặp các cháu mẫu giáo. Cô Ngọ vốn là giáo viên của điểm trường thôn 2 - Trường Mầm non Họa My (xã Trà Vân). Do người dân trong vùng bị sạt lở di chuyển đến Khe Chữ nên cô phải vượt đường rừng gần 4km theo 25 học sinh mẫu giáo đến lớp mới. Vừa lo chuyển chỗ ở, cô Ngọ phải đảm bảo không để đứt quãng dạy học ngày nào. Kể từ ngày chính quyền bắt đầu thực hiện di dời dân đến nay đã gần một tháng, đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng hàng ngày thầy Khánh, cô Ngọ dành một thời gian để đến tận từng nhà người dân vận động học sinh ra lớp.

Thầy Khánh và CBCS Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kết hợp dạy học và "ngoại khóa" cho lớp học đặc biệt.

Nỗi niềm Khe Chữ

May mắn là trong thời điểm bộn bề khó khăn, CBCS thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam vừa dựng nhà mới cho dân lại vừa tranh thủ cùng thầy cô tổ chức cho các cháu nhiều chương trình "ngoại khóa" đặc biệt ngay trên công trường.  Binh nhất Trần Thanh Tùng, chiến sĩ Trung đoàn 885 vui vẻ: "Những giờ giải lao, anh em vào ngồi học chung với các cháu, rồi kể chuyện, đố vui khiến cả lớp học rất vui vẻ. Học sinh cũng thích mà phụ huynh cũng phấn khởi". Trên một khu bình địa giữa núi rừng Khe Chữ, tiếng cưa gỗ, đóng đinh, kéo tôn hòa cùng tiếng học bài bi bô của lớp học "dã chiến" tạo nên một khung cảnh đầm ấm, nhìn từ xa tựa một ngôi làng trù phú.

Nhìn những "đứa con nhỏ" hồn nhiên tô từng con chữ, tròn mắt nghe kể chuyện, bi bô đọc bài, cô giáo Hồ Thị Ngọ vui mừng nhưng cũng không giấu nỗi lo lắng. Nếu lớp học này kéo dài thì chất lượng dạy học chắc chắn bị ảnh hưởng, trong khi kế hoạch xây điểm trường mới đã có nhưng chưa thể thực hiện do còn thiếu kinh phí. Trước những mất mát ở Trà Vân, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã vượt rừng đến tặng quà, hỗ trợ sinh kế trao quà cho người dân. Áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, lương thực đến kịp thời đã giúp phụ huynh không thiếu ăn, học sinh không thiếu mặc, không "rơi" một con chữ nào. Nhưng chuyện học là lâu dài, bền bỉ nên không thể qua loa, tạm bợ tháng này qua tháng khác được.

Trao đổi về lớp học đặc biệt ở Khe Chữ, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho hay, huyện đang xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để xây dựng điểm trường ngay tại vùng tái định cư mới của 144 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở. Nhưng hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại quá nặng nề nên kinh phí đầu tư hiện đang gặp khó khăn. "Để hoàn thành công trình 2 phòng học, 1 phòng giáo viên và phòng chức năng dự kiến cũng sẽ hết khoảng hơn 1 tỷ đồng, dựng một công trình như vậy ở vùng sâu rất tốn kém. Với nguồn lực có hạn của địa phương,  chúng tôi cũng đang tăng cường kêu gọi, vận động các tấm lòng hảo tâm để xây dựng cho các cháu có một nơi học đàng hoàng.", ông Mẫn nói.

CÔNG KHANH