Học sinh chán học lịch sử, lỗi đầu tiên thuộc về người thầy
(Cadn.com.vn) - Ngày 18 và19-8, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT phối hợp Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam (KHLSVN) tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chuẩn bị xây dựng chương trình và SGK môn Lịch Sử ở phổ thông sau năm 2015, hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế về dạy-học Lịch Sử trong các trường phổ thông hiện nay...
Vì sao HS chán môn Lịch Sử?
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Vinh Hiển-Thứ trưởng Bộ GD-ĐT-đã thừa nhận những bất cập, hạn chế việc dạy-học Sử trong trường phổ thông hiện nay. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Thực tế hiện nay là đa số HS không hứng thú với môn Lịch Sử, chất lượng giáo dục lịch sử còn thấp. Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực khắc phục, tuy nhiên tình hình chưa được cải thiện một cách căn bản...Với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục lịch sử ở phổ thông, theo chúng tôi, chúng ta nên phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ nhận thức về vị trí chức năng giáo dục lịch sử đến chương trình, SGK, nội dung và phương pháp dạy học, hình thức và nội dung đánh giá kết quả học tập của HS, điều kiện giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên (GV) và trách nhiệm đào tạo của hệ thống các trường CĐ, ĐHSP...”.
GS, NGND, Chủ tịch Hội KHLSVN Phan Huy Lê cho rằng, hạn chế nặng nề nhất của giáo dục môn lịch sử là đại bộ phận HS không thích môn Lịch Sử, coi như môn học của các sự kiện và năm tháng, môn học của trí nhớ, khô khan, nhàm chán. “Thái độ đó thật đáng buồn nhưng trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về HS mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy và học môn Lịch Sử chưa có hiệu quả. Nguyên nhân sâu xa cần tìm kiếm đầy đủ trong nội dung và phương pháp giảng dạy, trong SGK, trong chương trình môn học và cả trong công việc đào tạo GV môn Lịch Sử”-GS, NGND Phan Huy Lê nói. Cũng theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần nhận thức về vị thế môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. Không nên coi đây là môn phụ. Môn Lịch Sử không chỉ trang bị vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới mà còn góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương xứ sở, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa của nhân loại...
GS-NGND Phan Huy Lê (người thứ nhất từ trái sang phải) đang trao đổi cùng với các đại biểu. Ảnh: P.T
Cần đổi mới toàn diện
Trong 97 tham luận, ngoài 3 bài đề dẫn có 47 bài bàn về chương trình, SGK, 29 bài về đổi với phương thức dạy học, 19 bài về công tác đào tạo, bồi dưỡng GV môn Lịch Sử. Đa phần, ý kiến của các đại biểu tập trung thảo luận 11 vấn đề liên quan đến việc dạy-học Sử hiện nay và định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, chủ yếu tập trung xoay quanh việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch Sử trong trường phổ thông; công tác đào tạo bồi dưỡng GV Lịch Sử ở các trường sư phạm, cấu trúc xây dựng chương trình, SGK... Theo PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ-Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT, hầu hết các tham luận đều cho rằng, SGK Lịch Sử phổ thông hiện hành gần như tóm tắt sách sử của người lớn để HS học; chương trình đồng tâm của môn Lịch sử chưa sâu, chưa thực sự nâng cao về nhận thức, trình độ HS mà lên THPT các em phải học lại kiến thức đã học ở THCS. Cấu trúc chương trình, SGK chưa cân đối giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; nhiều nội dung còn nặng trong khi có nhiều nội dung quá khái quát khiến GV không có thời gian đi sâu. Phương pháp dạy học chậm thay đổi. Một bộ phận GV, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chỉ đọc chép, không rèn luyện cho các em khả năng tư duy độc lập.
Trong khi đó khi kiểm tra vẫn chủ yếu chú ý đến việc học thuộc nhiều hơn là kỹ năng phân tích, nhận xét. PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ kiến nghị, Bộ GD nên đưa môn Lịch Sử thành môn bắt buộc trong chương trình phổ thông đồng thời tăng thời lượng cho môn học này. Nhà nước cần có một bộ sách hoặc một Công trình Lịch sử Việt
P.Thủy (ghi)