Học sinh Đà Nẵng "làm" cố vấn Liên Hợp Quốc

Thứ năm, 04/05/2017 09:34

(Cadn.com.vn) - Với những trăn trở, sáng kiến đầy tính nhân văn dành cho người tị nạn trên thế giới trong vai trò là cố vấn cho Tổng thư Ký Liên Hợp Quốc, lá thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi, học sinh lớp 8/9 trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn lá thư, chinh phục được Hội đồng giám khảo để giành giải nhất cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 46.

Nguyễn Đỗ Huyền Vi và mẹ.

Đam mê, hiểu biết về tình hình chính trị thế giới chính là điểm cộng để Vi dễ dàng làm tốt nhất vai trò cố vấn cho Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới rối rắm, bằng chính lòng nhân ái, bao dung Vi đã đặt hết tâm huyết để dành một ý nghĩa thiết thực tặng  người tị nạn. "Người tị nạn là những người cần được bảo vệ, họ chính là một phần của thế giới. Chúng ta không nên chối bỏ họ mà phải mở lòng để đón nhận, vì một thế giới hòa bình, hạnh phúc", Vi chia sẻ về động cơ viết thư gửi ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 do Bộ thông tin - Truyền thông, Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Với đề bài: "Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?" . Không ngần ngại góp ý xây dựng đảo cho người tị nạn, ngay đầu thư Vi viết: "Thưa ông! ông nhậm chức trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Xung đột đẫm máu, khủng bố hoành hành, biến đổi khí hậu, sự thay đổi vai trò của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nên cháu rất ủng hộ khi ông tuyên bố: "Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình"". Theo Vi, Tổng thư Ký Liên Hợp Quốc là người bảo trợ không mệt mỏi cho người tị nạn. Chính vì thế, Liên Hợp Quốc phải đấu tranh đến cùng vì quyền lợi người tị nạn. "Tại sao bà Merkel (Thủ tướng Đức) mở cửa biên giới đón người tị nạn lại bị lên án vì tạo ra những thách thức an ninh; hay ông Obama (cựu Tổng thống Mỹ) nhận 10.000 người tị nạn cũng bị chỉ trích vì kẻ khủng bố sẽ trà trộn vào? Trái lại, ngôi làng giàu nhất Châu Âu - làng Obewil Lieli (Thụy Sỹ) chấp nhận nộp phạt 300.000 USD thay vì nhận 10 người tị nạn Syria cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc; hay ông Donald Trump (Tổng thống Mỹ) ban lệnh cấm nhập cư với người tị nạn Syria lại bị phản đối gay gắt", Vi trăn trở. Hơn nữa, chính bức ảnh cậu bé Aylan 3 tuổi nằm úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm lay động Vi và toàn thế giới. Trong đó, tỉ phú Ai Cập Naguib Lawiris đã mua đảo tặng người tị nạn. Ông đặt tên đảo là Aylan, xây nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước, tạo công việc cho họ. Vì thế, Vi có ý tưởng sẽ kêu gọi các tỉ phú thế giới cùng chung tay mua đảo tặng người tị nạn. Khi đó, người tị nạn có cuộc sống, sự bình yên; Châu Âu và Mỹ sẽ không phải đau đầu và tranh cãi vì người tị nạn; người mua đảo cho người tị nạn sẽ được lưu danh hậu thế và sẽ được hưởng lợi từ cổ phần đóng góp. Vi dẫn chứng: Ông Lawiris xếp vị trí thứ 557/1.810 tỉ phú thế giới mà đã tự tin mua đảo tặng người tị nạn thì Vi tin sẽ tìm được 5 người đồng thuận với dự án này. Đó là: Bill Gates Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos và anh em nhà Koch. Xuất phát từ chính trái tim nhân hậu cuối thư Vi kêu gọi và đồng cảm với lá thư cô bé 7 tuổi phải vật lộn với cuộc chiến tị nạn tại Syria gửi ông Trump: "Cấm người tị nạn là rất tệ! Nếu điều đó là đúng, cháu có ý tưởng này cho ông: Hãy làm cho các quốc gia khác hòa bình".

Về cá nhân Vi, đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực học tập của em. Chị Đỗ Thị Cẩm Nhung, mẹ Vi, cho biết, Vi rất sinh siêng năng, luôn phấn đấu trong học tập với thành tích 8 năm liền là học sinh giỏi. Vi từng tham gia và đoạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những tình huống thực tiễn" cấp thành phố và giải khuyến khích quốc gia.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho hay: Đây là thành quả từ sự nỗ lực của ngành giáo dục TP trong thời gian qua. Tính đến nay, Đà Nẵng có 7 học sinh đoạt giải nhất quốc gia viết thư UPU. Trong đó, có 1 học sinh đoạt giải nhất quốc tế.

Phi Nông