Học sinh, sinh viên sa sút về tự học
(Cadn.com.vn) - Có thể nói, tự học là một hoạt động, phương pháp học tập rất quan trọng để học sinh, sinh viên (HSSV) tiếp thu, củng cố và vận dụng tốt các kiến thức, kỹ năng đã học. Tự học góp phần làm cho chất lượng GD-ĐT đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời cũng là cơ sở, nền tảng cho quá trình phát triển, sáng tạo của người học về sau.
Trước đây, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều HSSV rất có ý thức cần cù, tự học, sáng tạo nên đã có nhiều thành quả, đóng góp cho nền khoa học, tri thức... của nước nhà. Những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế gia đình, xã hội đã khá lên, sách giáo khoa, giáo trình, phương pháp dạy học của đội ngũ giảng viên, giáo viên từ bậc phổ thông đến đại học có chuyển biến, thế mà ý thức, hoạt động tự học của một bộ phận không nhỏ HSSV lại giảm sút nghiêm trọng, thậm chí bị tê liệt hoàn toàn, rất đáng lo ngại.
Em Trần Quốc Trung, học sinh lớp 9 của một trường THCS ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết: “Em chán học từ năm lớp 7, nhưng bị cha mẹ ép buộc quá nên mới ráng theo học đến lớp 9 này. Ngày thường, em ít học bài vở, đến lúc kiểm tra, thi cử thì học sơ sơ gì đó. Đề nào, câu nào học không trúng hay không hiểu thì xem, chép bài của bạn. Gặp thầy cô, giám thị coi kiểm tra, thi nghiêm khắc, chặt chẽ thì bỏ giấy trắng”.
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, giáo viên THPT Quảng Bình (TP Đồng Hới, Quảng Bình) tâm sự: “Chúng tôi thấy buồn và lo về hiện tượng học sinh phổ thông ham chơi, lười học, chỉ đợi đến thi cử, kiểm tra mới học ngày càng gia tăng. Giáo viên cũng dùng nhiều biện pháp, nhắc nhở, động viên có, “dọa” cho điểm thấp, buộc thi lại... nhưng xem ra các em ít có chuyển biến”.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định) nhận xét: “Nhiều sinh viên bây giờ rất biếng học, chỉ mải chơi, thời gian ở nhà, kí túc xá cứ chúi đầu vào game, mạng xã hội... Lên lớp thụ động, không chuẩn bị bài vở, tài liệu, giảng viên nêu câu hỏi, nêu vấn đề, hiếm có sinh viên nào giơ tay, chỉ định cụ thể thì chẳng trả lời được. Thư viện, các phòng đọc sách luôn vắng hoe. May đâu, đến lúc thi hết học trình, học phần, mới lao đầu học mấy bữa, chỉ mong đủ điểm qua kỳ thi, chứ ít có ý chí học để tăng khả năng hiểu biết sâu rộng phục vụ cho công việc sau này. Thậm chí, nhiều sinh viên đến thi cũng chẳng thèm học gì, toàn nghĩ đến chuyện tiêu cực, lo lót “chạy” điểm thầy cô”.
Cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, kích thích tư duy, sáng tạo của người học. |
Theo các chuyên gia giáo dục, trước hết, là do nhiều HSSV chưa xác định được mục đích, ý nghĩa đúng đắn và ích lợi, giá trị to lớn của việc tự học, tự rèn luyện. Thế nên nhiều HSSV ít có tính tự giác nghiên cứu, đào sâu, củng cố kiến thức. Một bộ phận HSSV mắc nặng “bệnh” học đối phó, học chơi, học kiểu “mì ăn liền”, đến mùa thi mới học, chỉ nặng nghĩ tới chuyện điểm số, bằng cấp hơn là kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, công việc sau này. Lối dạy học nặng về nhồi nhét kiến thức, áp đặt một chiều, đọc-chép, học tập quá tải... kéo dài, phổ biến ở bậc phổ thông, cũng là lý do khiến HSSV xơ cứng, uể oải, mất dần hoặc mất hẳn khả năng tự học. Ngoài học chính khóa ở nhà trường, hầu hết các em học sinh phổ thông cả nước, tối ngày phải quay cuồng với cỗ máy dạy thêm, học thêm. Các em đâu còn thời gian để nghỉ ngơi, tự học?
Nhiều văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của ngành đều bất lực trước “vấn nạn” nghiêm trọng này. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều loại hình vui chơi, giải trí như phim ảnh, game online... thịnh hành đã cuốn hút và ngốn đi nhiều thời gian của giới trẻ. Đáng lẽ ra thời gian đó phải dành cho tự học, tự nghiên cứu, làm những việc có ích khác.
Mặt khác, cách đánh giá, kiểm tra ở nhà trường THPT cũng như ĐH, CĐ lâu nay chậm đổi mới. Một số nhà trường, thầy cô giáo có biểu hiện dễ dãi, sính thành tích nên thiếu nghiêm túc, chặt chẽ khiến HSSV chủ quan, ỷ lại, thiếu hẳn động lực tự học; thậm chí có dấu hiệu tiêu cực mua-bán điểm giữa thầy và trò, nhất là ở bậc CĐ, ĐH tạo nên sự không công bằng trong dạy-học, làm cho giá trị của học hành bị giảm sút...
Để chấn chỉnh bệnh lười học, không có ý thức, thói quen tự học ở bộ phận SVHS hiện nay cần có thời gian và sự nỗ lực, đồng bộ của cả ngành giáo dục, thầy cô giáo, gia đình. Trước mắt, nhà trường, thầy cô giáo phải nghiêm túc, chặt chẽ trong kiểm tra, thi cử, đánh giá thì mới giảm được những biểu hiện sa sút của việc học hành, khơi dậy tinh thần tự học.
Không dừng lại đó, ngành Giáo dục cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại mình, từ khâu biên soạn chương, sách giáo khoa, giáo trình... theo hướng thực sự tinh gọn, phù hợp, giảm được sự quá tải cho người học. Bản thân thầy cô cần không ngừng làm mới mình, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, kích thích tư duy, sáng tạo của người học. Có tự học mới thực học. Tự học- một mắt xích quan trọng bậc nhất làm nên thành công, hiệu quả của giáo dục, phải luôn được cổ súy, nhân rộng không ngừng.
Đỗ Tấn Ngọc