Hội An hướng tới thành phố sáng tạo…

Thứ tư, 03/08/2022 18:35
Hội An, vùng đất cuối dòng sông Mẹ Thu Bồn xứ Quảng là một đô thị cổ có nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, gắn liền với sự phát triển của các làng nghề truyền thống và văn nghệ diễn xướng dân gian. Hiện nay, Hội An đang triển khai xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO theo Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16-4-2021 của Bộ VH-TT&DL về Phê duyệt Kế hoạch xây dựng "Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO".
Lồng đèn Hội An hồi phát triển mạnh mẽ cùng với các làng nghề truyền thống khác.
Bài Chòi hiện diện ngày càng nhiều trong các sự kiện lớn của Hội An và Quảng Nam.

Hội tụ hơn 50 nghề truyền thống gắn với các làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, Hội An còn có nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát múa cầu ngư bả trạo, hò khoan, hát múa sắc bùa, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội…

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm- Giám đốc Trung tâm VH- TT và TT- TH TP Hội An cho biết: Là thành phố đầu tiên trong cả nước đề xuất lựa chọn nội dung "Thủ công và nghệ thuật dân gian" để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo trình UNESCO, Hội An không khỏi bỡ ngỡ với nhiệm vụ chưa có tiền lệ này. Dịch COVID- 19 thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động của các làng nghề, các mô hình sáng tạo đã có. Đặc biệt, Hội An vẫn cần thêm nhiều mô hình sáng tạo mới mang tinh thần xã hội hóa, có sự chung tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sĩ, người dân... Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Hội An đứng trước những cơ hội và triển vọng mới, mở rộng giao lưu, hợp tác và trao đổi với các thành phố trong khu vực và thế giới về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, cũng như học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Vừa qua, Hội An vừa tổ chức tọa đàm "Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng tới Thành phố sáng tạo" với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý nhằm trao đổi, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian trong con đường phát triển của Hội An. Đây là hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy xây dựng hồ sơ Hội An - Thành phố sáng tạo trong thời gian đến theo Quyết định 1395/QĐ-BVHTTDL.

Trong những năm qua, Hội An đã phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của nghề truyền thống, văn nghệ dân gian. Đồng thời, địa phương có nhiều định hướng bảo tồn, phát huy các di sản này gắn với phát triển bền vững; những mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ nghề truyền thống ở Hội An; những vấn đề đặt ra trong việc trao truyền văn nghệ dân gian ở Hội An… Ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Hội An đã cân nhắc rất nhiều trong quá trình lựa chọn lĩnh vực tiếp cận để hướng đến gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và cuối cùng đã chọn mảng nghề truyền thống và văn nghệ dân gian bởi đây là lợi thế cốt lõi của địa phương. Các làng nghề, nghề truyền thống ở Hội An là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể.

Lồng đèn Hội An hồi phát triển mạnh mẽ cùng với các làng nghề truyền thống khác.

Thời gian qua, Trung tâm VH-TT&TT-TH TP Hội An đã chú trọng công tác trao truyền bằng cách đưa vào các hoạt động của Trung tâm, chẳng hạn như: Đưa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vào biểu diễn phục vụ du khách tham quan; mở các lớp dân ca - bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc cho cơ sở; đề xuất thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An quy tụ hơn 40 diễn viên, nghệ sĩ có chuyên môn cao, là nguồn nhân lực chủ đạo, nòng cốt để thực hiện công tác trao truyền cho thế hệ trẻ; phối hợp với các ngành để đưa chương trình dạy hát dân ca, bài chòi… vào các trường học, góp phần vào việc trao truyền nghệ thuật dân gian truyền thống, hướng tới mục đích làm cho người dân địa phương và công chúng phải "thấm", phải "yêu mến" loại hình nghệ thuật truyền thống này, rồi từ đó, nhà quản lý mới có thể dựa vào nhân dân, dựa vào cộng đồng để bảo tồn, khôi phục và phát triển có hiệu quả.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết thêm: Đơn vị đã chú trọng đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch, trong đó tập trung các sản phẩm có hàm lượng văn hóa - nghệ thuật cao vừa bảo tồn và phát huy phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch. Các chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống xây dựng thành các sản phẩm văn hóa du lịch bản địa độc đáo, thu hút du khách. Để hướng tới việc xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo trong tương lai, trong giai đoạn tiếp theo, địa phương tiếp tục phát huy các nguồn lực văn hóa, tự nhiên và đặc biệt là nguồn lực con người, tập trung công tác trao truyền văn hóa nghệ thuật dân gian để bảo tồn truyền thống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Chặng đường để Hội An có thể gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu còn rất dài. Các giá trị của di sản nghề, làng nghề truyền thống Hội An đang được địa phương nhìn nhận đúng thực trạng, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn được các giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, vừa bổ sung những yếu tố mới để các giá trị nghề, làng nghề ở đô thị di sản tiếp tục được giữ gìn, phát triển. Từ đó, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian Hội An trong con đường phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể, tài nguyên và con người Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

QUYÊN QUYÊN