Hội An “xếp” lại hàng rong

Thứ năm, 16/02/2017 09:42

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, du khách phàn nàn rất nhiều chuyện bị hàng rong chặt chém và làm phiền khi đến tham quan đô thị cổ Hội An. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. “Có trường hợp du khách nước ngoài mua 1 trái chuối từ người bán hàng rong với giá 100 nghìn đồng; tại nhiều di tích, những người bán hàng rong thường chèo kéo du khách mua hàng. Vì vậy, chính quyền thành phố kiên quyết chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong”, ông Sơn nói. Với đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ”, từ ngày 13-2, chính quyền thành phố Hội An đã ra quân chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong trong phố cổ. Theo đó, các phường trung tâm của phố cổ Hội An đã phối hợp đẩy đuổi nhiều trường hợp buôn bán hàng rong không phép. Ông  Nguyễn Chí Trung-Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, đề án bố trí buôn bán hàng rong trong khu phố cổ xuất phát từ thực trạng số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác và khu vực lân cận tăng nhanh trong vài năm qua. Trong đó nhiều loại hình không phù hợp với cảnh quan phố cổ đã gây ảnh hưởng đến ANTT và công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững của đô thị cổ. “Trong luật di sản quy định rất rõ là nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán hàng rong ở khu vực có công trình di tích. Thế nhưng từ xa xưa, hàng rong đã trở thành một nét đẹp bình dị, tô điểm cho không gian văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An. Nhưng thời gian gần đây, nhiều người buôn bán hàng rong gây phiền toái cho du khách như chèo kéo, bày bán hàng hóa lộn xộn, nhếch nhác. Sau nhiều cuộc họp, chính quyền thành phố đã thống nhất thành lập tổ đề án, tiến hành khảo sát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng rong trong phố cổ”, ông Trung nói.

Nhiều người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán ở phố cổ Hội An.

Theo khảo sát thực tế của Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An tại các phường Minh An, Sơn Phong và Cẩm Phô, hiện nay trong khu phố cổ có tổng cộng 41 loại mặt hàng ăn uống; 35 mặt hàng lưu niệm, phần nhiều trong số đó có xuất xứ từ Trung Quốc, không phải là mặt hàng truyền thống của Hội An. Việc chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong trong khu phố cổ, chắc chắn sẽ  ảnh hưởng đến thu nhập của không ít người sống nhờ vào việc buôn bán ở Hội An. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đây là việc khẩn thiết mà chính quyền thành phố cần thực hiện để trả lại cảnh quan cho phố cổ. Theo ông Sơn, việc sắp xếp lại không gian bày bán hàng rong, vỉa hè trước hết sẽ xóa bỏ tình trạng buôn bán bát nháo. Các hộ kinh doanh hàng rong sẽ được chỉ định đúng vị trí, phạm vi buôn bán của mình và chịu sự quản lý chặt chẽ, những người bán hàng rong không phải là người Hội An sẽ không được bố trí vị trí buôn bán. “Chúng tôi kiên quyết dẹp bỏ các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, tranh 3D và nhiều hàng hóa không phù hợp với phố cổ nhưng sẽ cho bán những mặt hàng truyền thống của địa phương. Và một khi đã tổ chức sắp xếp lại toàn bộ từ hình thức đến cách thức bày bán hàng rong trên đường và vỉa hè thì các hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định rõ ràng, nếu không sẽ bị xử phạt nặng. Điều quan trọng là phải giữ được cảnh quan phố cổ Hội An”, ông Sơn nói.

H. Anh