Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân: Tìm lời giải cho “mối đe dọa từ Triều Tiên”

Thứ sáu, 01/04/2016 08:55

(Cadn.com.vn) - Với nỗ lực thể hiện một mặt trận thống nhất, Mỹ và các quốc gia đồng minh sẽ bàn cách gia tăng áp lực với Triều Tiên về vấn đề làm giàu hạt nhân của nước này tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân năm nay.

Mặc dù nguy cơ khủng bố hạt nhân và sự lớn mạnh của tổ chức IS ở ngoài Trung Đông nằm trong chương trình nghị sự chính, mối quan tâm về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được cho là chi phối hoàn toàn Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần này, diễn ra từ ngày 31-3 đến 1-4.

Theo AFP, hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới ngày 31-3 có mặt tại thủ đô Washington để tham dự hội nghị này dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây được cho là dịp để các nước xích lại gần nhau cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân và xung đột hạt nhân. Hội nghị Thượng đỉnh lần này cũng là cơ hội lớn cuối cùng để Tổng thống Obama tạo sự đột phá trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1-2017.

Triều Tiên gần đây đã thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa khiến thế giới lo ngại. Ảnh: Reuters

Mối lo vũ khí hạt nhân

Trước thềm hội nghị, Nhà Trắng cảnh báo, khoảng 2.000 tấn uranium làm giàu cao và plutonium được sử dụng trong các chương trình dân sự hoặc quân sự trên toàn thế giới có thể biến thành một quả bom hạt nhân nếu bị đánh cắp hoặc chuyển hướng.

Trong khi đó, chưa đến một nửa các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần này nhất trí bảo đảm nguồn nguyên liệu phóng xạ có thể được sử dụng cho một quả bom bẩn. Những lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân với Triều Tiên cũng âm ỉ leo thang sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch (bom H) hồi tháng 1 và vụ thử tên lửa tầm xa sau đó. Mọi con mắt đổ dồn vào Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù vẫn xích mích với Bắc Kinh về vấn đề này, Washington cũng đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc thông qua lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mới nhằm vào đồng minh truyền thống Triều Tiên. Và nhiệm vụ của Washington giờ đây là thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện những biện pháp trừng phạt nghiêm túc.

Bên lề hội nghị này, ông Obama cũng có một cuộc họp chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, nhằm trấn an hai đồng minh quan trọng ở Châu Á, vốn tỏ ra quan ngại sâu sắc về những động thái của Triều Tiên.

Ông Obama - Tập Cận Bình ưu tiên bàn biển Đông

Dù hàng chục nhà lãnh đạo thế giới đến thủ đô Washington để tham dự hội nghị này, Tổng thống Obama chỉ có cuộc gặp gỡ riêng với một trong số họ: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp thượng đỉnh lần này là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hai cường quốc, khi một Trung Quốc đang lên có vẻ quyết tâm trở thành một cường quốc có ảnh hưởng lớn hơn tại Châu Á- Thái Bình Dương và Mỹ cũng thề sẽ duy trì quyền lực của mình tại khu vực đang phát triển này.

Nhưng mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua. Việc Bắc Kinh đòi chủ quyền vô lý ở biển Đông, cải tạo đất trái phép và mở rộng các hoạt động quân sự ở đây chính là điểm gây căng thẳng lớn nhất với Washington. Tại Mỹ, một Trung Quốc đang bị phân tâm bởi nền kinh tế chậm lại trở thành “cây gậy chiến lược” trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên tổng thống.

Vì lẽ này, hy vọng về một bước  đột phá trong cuộc họp kéo dài 90 phút giữa ông Obama và ông Tập là khá mong manh dù một số nhà phân tích cho rằng, thời gian này cũng đủ để cả hai bàn cách giảm bớt căng thẳng về một số vấn đề, nhất là biển Đông. Giới quan sát cho rằng, Chủ tịch Tập có thể cam kết sẽ không đi xa hơn trong việc quân sự hóa biển Đông. Đổi lại, Tổng thống Obama   có thể đồng ý không tiếp tục điều tàu chiến và máy bay do thám thực  hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo    “tự do hàng hải” tại khu vực tranh chấp này.

Một chương trình nghị sự kiềm chế như vậy là khá hữu ích. “Đây chính là một sự khởi đầu tốt đẹp. Bắc Kinh có thể “ve vuốt” Mỹ bằng cách đồng ý không tiếp tục cải tạo đất trái phép ở biển Đông đang tranh chấp”, chuyên gia Douglas Paal nhận định.

Khả Anh