Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ: Biển Đông chi phối

Thứ hai, 15/02/2016 09:06

(Cadn.com.vn) - Với những cái bắt tay mang tính biểu tượng và thống nhất, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần này được cho là nhằm mục đích tăng cường áp lực đối với hành vi ngày càng đáng lo ngại của Trung Quốc trong vùng biển Đông tranh chấp.

Bắt đầu vào hôm nay (15-2) tại thành phố Sunnylands, bang California của Mỹ, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với các nhà lãnh đạo ASEAN,  trọng tâm bàn về vấn đề biển Đông.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 14-2 dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đến Mỹ tham dự hội nghị đặc biệt này, một Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng chung.

Hội nghị ASEAN-Mỹ tại phiên Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 hồi tháng 11-2015
ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: PhnomPenhPost

Áp lực trên vai ông Obama

Mỹ cho đến nay luôn khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, song luôn bày tỏ lo ngại trước những động thái đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến giao thương quan trọng này.

Không những vậy, Lầu Năm Góc trong thời gian qua cũng có những hành động mạnh mẽ tại vùng biển này, như điều tàu khu trục đến tuần tra ở đây, trong động thái được đánh giá là nhằm kiềm chế và phản đối hành vi ngang ngược của Bắc Kinh. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ chi phối hội nghị lần này. Giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Obama muốn các nước ASEAN thống nhất quan điểm chung về vấn đề này. Dù đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng với năm cuối cùng ở Nhà Trắng, ông Obama chắc chắn sẽ nỗ lực hết mình để có thể để lại một thành quả về vấn đề gây tranh cãi kéo dài này. Thực tế, AP dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết, các nước ASEAN đã thương lượng về nội dung tuyên bố chung sau hội nghị kéo dài 2 ngày này.

Căng thẳng biển Đông leo thang trong thời gian qua khi Trung Quốc tiến hành cải tạo đất ở đây. Bắc Kinh bị cáo buộc trì hoãn cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) – vốn được cho là chìa khóa quan trọng để ngăn chặn xung đột ở khu vực này. Mỹ và ASEAN tìm cách đạt được COC càng sớm càng tốt và vấn đề này có thể sẽ tiếp tục được bàn đến trên bàn hội nghị lần này.

Nhiều vấn đề khác

Ngoài biển Đông, danh sách dài các vấn đề đã được chuẩn bị trình lên bàn hội nghị– từ kinh tế đến hòa bình, từ chủ nghĩa khủng bố đến vấn đề an ninh.

Vào ngày hội nghị đầu tiên, sau phiên họp về kinh tế, ông Obama sẽ tổ chức bữa ăn tối thân mật với các nhà lãnh đạo ASEAN. Điều thú vị là trong khi các nhà lãnh đạo đang ngồi ăn tối, Tổng thống Obama sẽ phát biểu khai mạc và tiếp theo đó là các cuộc thảo luận mở. “Các nhà lãnh đạo có thể nói đến bất kỳ vấn đề nào mà họ cho là quan trọng”, tuyên bố chương trình nêu rõ. Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo sẽ ưu tiên thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết. TPP được cho là di sản để đời của Tổng thống Obama giúp nền kinh tế số 1 thế giới định hình lại luật lệ thương mại thế giới. Tuy nhiên, nó đang vấp phải ngưỡng cửa khó qua tại Quốc hội. Tại hội nghị này, các nước Đông Nam Á tham gia TPP rõ ràng muốn nhân cơ hội để thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua TPP càng sớm càng tốt.

Khi bàn đến vấn đề an ninh, mối đe dọa từ nhóm Hồi giáo cực đoan IS – vốn được cho là đã vươn vòi đến Đông Nam Á – chính là chương trình nghị sự ưu tiên trong bối cảnh Nhà Trắng đang lo ngại về khả năng tấn công của IS và muốn mở rộng hợp tác chống khủng bố với các quốc gia ASEAN.

Khả Anh