Hội nghị thượng đỉnh G20 - cầu nối thúc đẩy phục hồi
Quy tụ 20 thành viên chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu, cùng 22 khách mời là các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế lớn, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia với tổng cộng 438 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao, Nhóm công tác và Nhóm cam kết diễn ra dày đặc kể từ ngày 1-12-2021.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, Indonesia vinh dự là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, đồng thời hoan nghênh nỗ lực chung của các nước thành viên cùng trao đổi với nhau nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông kêu gọi các bên phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy nỗ lực duy trì hòa bình. Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh mục tiêu hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra và không để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn" của Chủ tịch Indonesia 2022, trong đó tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đặt mục tiêu ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó cam kết tăng cường các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng trầm trọng mà cả thế giới đang phải đối mặt.
Cũng trong khuôn khổ 3 chương trình nghị sự trên, hội nghị sẽ tìm kiếm các cam kết nhằm giải quyết các khiếm khuyết trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng; tăng cường lĩnh vực tài chính toàn cầu thông qua giám sát rủi ro, khai thác lợi thế của công nghệ và số hóa; nghiên cứu phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương nhằm tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới; duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế; hỗ trợ các công cụ chính sách của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về huy động vốn; xây dựng Chỉ số đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng; và thiết lập cấu trúc cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu tương lai.
Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh nội bộ các nền kinh tế G20 mâu thuẫn sâu sắc, bị chia rẽ chưa từng thấy và bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng - từ xung đột Nga-Ukraine đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng với lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu, hội nghị thượng đỉnh tại Bali nhiều khả năng sẽ khó đạt được đồng thuận rộng rãi.
Bên cạnh màn "chào sân" của các tân lãnh đạo Anh, Italy, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Với tư cách nước chủ nhà, Indonesia tuyên bố sẵn sàng trở thành cầu nối giữa bất kỳ cường quốc hoặc thành viên nào của G20 trong thời gian diễn ra hội nghị. Jakarta cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp song phương, giúp tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Dư luận kỳ vọng rằng bất chấp các thách thức, hội nghị thượng đỉnh tại Bali có thể trở thành cầu nối để các bên gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe những quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy những mục tiêu phục hồi chung.
TTXVN-B.T