Hội nghị thượng đỉnh G7 bàn nhiều vấn đề cấp bách

Thứ bảy, 15/06/2024 09:18

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc vào chiều 13-6 (theo giờ địa phương) tại Borgo Egnazia, một khu nghỉ dưỡng gần thị trấn Fasano ở miền Nam Italy.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có sự tham dự của lãnh đạo các nước như Canada, Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng như các nhà lãnh đạo của Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu.

Lãnh đạo các nước khác cũng được mời tham dự gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngoài ra, danh sách khách mời còn có một số lãnh đạo châu Phi gồm Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune, Tổng thống Kenya William Ruto và Tổng thống Tunisia Kais Saied. Giáo hoàng Francis cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, đánh dấu lần đầu tiên một giáo hoàng tham dự Hội nghị thượng đỉnh của G7.

Chào mừng các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Italy Giorgia Meloni cho biết hội nghị lần này muốn chuyển tải thông điệp đối thoại với khu vực Nam bán cầu và đoàn kết. Bà Meloni cũng ví G7 như cây ô liu cổ thụ là biểu tượng của vùng Puglia với "bộ rễ vững chắc và cành hướng về tương lai".

Diễn ra đến ngày 15-6, chương trình nghị sự của hội nghị trên bao gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua chứng kiến phe cực hữu gia tăng ảnh hưởng trên khắp châu Âu và tình hình bạo lực liên quan đến chính trị trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất đang được triển khai tại Italy trước và trong thời gian diễn ra hội nghị.

Kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn

Ngày 13-6, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi phong trào Hồi giáo Hamas chấp nhận lộ trình hướng tới ngừng bắn ở Gaza do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tháng 5 vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Italy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ủng hộ kế hoạch này và điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan phải thực hiện kế hoạch đó. Chính vì vậy, G7 đặc biệt kêu gọi Hamas chấp nhận để kế hoạch được thực hiện. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người chủ trì hội nghị G7, xác nhận ủng hộ đề xuất của Mỹ trong đó có lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Bà cho biết G7 cũng kêu gọi thả tất cả con tin và tăng đáng kể hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza.

Mỹ ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine

Ngày 13-6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền Nam Italy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký kết thỏa thuận an ninh có hiệu lực 10 năm.

Động thái này nhằm thể hiện cam kết của Mỹ hỗ trợ lâu dài cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Thỏa thuận này sẽ cho phép chính quyền Mỹ cung cấp cho Ukraine nhiều khoản viện trợ và huấn luyện quân sự. Văn bản, tương tự như thỏa thuận giữa Mỹ và Israel, nêu rõ Washington sẽ huấn luyện quân đội Ukraine, cung cấp thiết bị quốc phòng, thực hiện các cuộc tập trận chung và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, không như với các nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thỏa thuận không buộc Mỹ phải đưa lực lượng đến bảo vệ Ukraine.

Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-4 đã ký thông qua dự luật viện trợ nước ngoài, bao gồm gói hỗ trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua.

AN BÌNH

Các nhà lãnh đạo G7 chụp hình lưu niệm (Nguồn: X)