Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu

Thứ ba, 30/12/2014 08:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành phố, thảo luận về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2015.

Theo đánh giá tại Hội nghị, trong năm 2014, mặc dù tình hình trong nước, khu vực đặt ra nhiều thách thức song với sự quyết tâm cao, KT-XH nước ta vẫn chuyển biến tích cực với những kết quả khả quan. Trong đó, thể kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP đạt 5,89%, cao hơn kế hoạch và cao hơn so với 2 năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

KT-XH bị tác động mạnh bởi “giàn khoan”

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bối cảnh năm 2014 rất đặc biệt, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động khó khăn cho nước ta. Ở trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng tốt, song những khó khăn chưa chấm dứt. Nổi bật là sự kiện tháng 5-2014 Trung Quốc bất chấp pháp luật quốc tế đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, điều này đã tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, cụ thể nhất là làm sụt mất khoảng 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Nếu không có sự kiện này, chúng ta có thể đạt tổng lượt khách du lịch quốc tế 9 triệu chứ không phải 8 triệu. Một tác động tiêu cực khác từ sự kiện này là một số phần tử xấu lợi dụng việc phản đối của người dân đã vi phạm pháp luật ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh. Hệ quả là hơn 1.000 DN phải ngừng hoạt động, đấy là chưa nói đến những tổn thất về tài sản.

Đứng trước thực trạng đó chúng ta phải thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ vừa bảo vệ chủ quyền, vừa giữ vững môi trường hòa bình ổn định để có điều kiện xây dựng đất nước, đồng thời phải đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu KT-XH đã đặt ra. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả nước, tới nay cả 3 nhiệm vụ đều hoàn thành. Chúng ta đã giữ được chủ quyền quốc gia, giữ được môi trường ổn định. Qua việc này đã tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết của cả dân tộc, kể cả hơn 4 triệu kiều bào ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, ở đâu có người Việt là ở đó có biểu thị sự phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.

Đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu

Mặc dù trong bối cảnh đó song chúng ta vẫn hoàn thành đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu KT-XH năm 2014 đã đặt ra, nó tạo tiền đề thuận lợi để có thể hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ trong năm 2015. Cụ thể 13/14 chỉ tiêu chúng ta đã đạt được, chỉ trừ chỉ tiêu lao động qua đào tạo còn thấp. Để minh chứng có thể kể tới các chỉ tiêu như kinh tế vĩ mô ổn định; các ngành đều tăng trưởng cao đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; môi trường kinh tế được cải thiện rõ rệt. Không phải ngẫu nhiên để Ngân hàng thế giới công bố môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng 20 bậc, điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của chúng ta.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một kết quả hết sức quan trọng nữa mà chúng ta đạt được đó là an ninh chính trị (ANCT) được đảm bảo, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, công tác đối ngoại thuận lợi, tất cả điều này đã giúp chúng ta có điều kiện phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đơn cử, như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam thì bạn bè quốc tế ủng hộ nước ta rất lớn. Thể hiện thiết thực như sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào Việt Nam, vào sự ổn định của Việt Nam vì thế mà bất chấp bối cảnh phức tạp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ấn tượng. Tổng cộng trong năm có 21 tỷ USD đầu tư vào nước ta trong đó gần 12,5 tỷ USD đã giải ngân, chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

Kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc

Mặc dù đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu KT-XH tuy vậy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chỉ ra nhiều cái chưa được. Chẳng hạn kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc mà điển hình như cơ cấu ngân sách, nhìn vào rất đáng lo. Một ngân sách quốc gia mà chi cho đầu tư phát triển ngày càng giảm trong khi nhu cầu đầu tư ngày càng cao. Hoặc chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dù đã cải thiện song còn thấp. Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, ai mạnh sẽ thắng, nếu chỉ so sánh với ASEAN 6 thôi thì chúng ta vẫn phải nỗ lực cải thiện nhiều.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng còn nhiều bức xúc, chẳng hạn như tỷ lệ hộ nghèo cả nước báo cáo còn 5,8-6% nhưng trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số lại chiếm tới 33%. Hoặc như đào tạo nghề, hiện mới có khoảng 19% lao động qua đào tạo có bằng cấp, một tỷ lệ thấp; tương tự là việc quản lý các đối tượng ma túy không tốt khiến người dân lo lắng; vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, TNGT hiện vẫn đòi hỏi phải tập trung quyết liệt để làm tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan công quyền, nhân dân hiện chưa hài lòng với hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan này. Nó biểu hiện ở thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân; một bộ phận cán bộ kém phẩm chất, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân; một bộ phận biểu hiện chưa nghiêm trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật, rồi tham nhũng...

Nhiệm vụ cơ bản của năm 2015

Từ những kết quả và tồn tại đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tới 4 nhiệm vụ cơ bản đề ra trong năm 2015. Trước hết cả nước, cả hệ thống chính trị phải chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, đây là vấn đề trọng tâm, phải làm hết sức mình, phải tìm mọi cách để thực hiện. Bởi lẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ này là động lực, tiền đề để các nhiệm vụ khác được hoàn thiện tốt hơn.

Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác là phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ môi trường ổn định, hòa bình để phát triển đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song phải ngày đêm chăm lo việc này. Đây cũng là nhiệm vụ gắn bó khăng khít với nhiệm vụ phát triển KT-XH. Ngoài ra theo Thủ tướng còn cần phải tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới để tạo sự ủng hộ của quốc tế, tạo môi trường kinh tế, điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước.

Hải Quỳnh

Đầu cầu Đà Nẵng: Đà Nẵng kiến nghị chia tách huyện, sở

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại phiên họp, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng đã được đưa vào sử dụng như cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, Nhà thi đấu thể dục thể thao.

Đối với việc thành lập quận Hòa Vang và Bắc Hòa Vang trên cơ sở H. Hòa Vang hiện nay, kính đề nghị Thủ tướng xem xét, thống nhất, có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho chủ trương. Kiến nghị Chính phủ cho TP Đà Nẵng lập Sở Du lịch trên cơ sở tách ra từ Sở Văn hóa- Thể thao-Du lịch.

Đối với các công trình, dự án động lực có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH miền Trung góp phần giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền cả nước như Cảng Liên Chiểu, Dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm, Xây dựng khu công nghệ cao, Khu liên hiệp thể thao, Nâng cấp sân bay Đà Nẵng quy mô đạt 6 triệu lượt khách/năm kiến nghị Chính phủ bố trí vốn.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trì Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đà Nẵng.