Hội nghị Trung ương 5: Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển
(Cadn.com.vn) - Chiều 10-5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, bế mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là nhất trí ban hành ba Nghị quyết về: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế
Trung ương thống nhất cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương lần này, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Nhiệm kỳ này, tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Hoàn thiện thể chế về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để tranh thủ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện chính sách, luật pháp của Nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị.
Phát huy vai trò then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước
Trung ương thống nhất nhận định: Mặc dù còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhưng nhìn tổng thể, doanh nghiệp nhà nước đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới, có tính đột phá vừa được Trung ương nhất trí cao thông qua.
Đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản...
Cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp nói chung với chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế
Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, đến nay đã "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 39% - 40% trong GDP; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện, tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực...
Các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và "chữ tín" trong kinh doanh. Chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Thực hiện nghiêm mọi quy định của pháp luật, nhất là quy định của pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường...
Tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương
Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với nội dung của Báo cáo và khẳng định điểm mới của việc kiểm điểm lần này là đã gắn việc kiểm điểm công tác năm với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tiến hành kiểm điểm đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản; diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, cầu thị. Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, với quyết tâm cao hơn để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, cụ thể hơn nữa, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM do có khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm, nghiêm túc, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Đinh La Thăng mà đối với tất cả chúng ta.
B.T (theo TTXVN)