Hội nhập AEC - "nước đến chân" còn chưa chịu "nhảy"

Thứ tư, 03/12/2014 10:42

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội thảo “Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào năm 2015 là sự kiện đánh dấu bước tiến vượt bậc về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á, tiến tới một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung trong đó, 5 yếu tố được lưu chuyển tự do trong 10 nước, gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động.

Nhưng đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi hàng hóa các nước AEC vào sẽ không còn hàng rào thuế quan, tạo ra một môi trường cạnh tranh rất gay gắt. Trong bối cảnh đó, DN Đà Nẵng đa phần nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất chưa cao, khả năng đổi mới công nghệ còn hạn chế, sản phẩm sản xuất còn đơn điệu, mô hình quản trị chưa rõ ràng… sẽ càng khó cạnh tranh hơn nữa. Do đó, DN cần chủ động đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để “đón đầu” AEC…

Cty Cao su Đà Nẵng - một trong những DN tiên phong áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng: DN Việt Nam nói chung và DN Đà Nẵng nói riêng khá chủ quan trước sự kiện hội nhập (trên 80% DN không quan tâm) và ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng rất chậm chạp trong việc điều chỉnh để giúp DN cũng như nền kinh tế thích ứng được với sự kiện AEC. Trong khi đó, các nước như Malaysia, Thái Lan,… đã chủ động vào thị trường Việt Nam để “đón đầu”... 

Theo ông Diễn, sắp tới ASEAN sẽ tạo nên nền kinh tế tự do hóa về hàng hóa vật chất và dịch vụ, lúc này, thuế DN sẽ rút dần xuống 0%. Chưa kể DN trong nước có nguy cơ không giữ chân được nhân tài khi lao động có chất xám, có tay nghề có thể dịch chuyển sang các nước khác trong khối ASEAN vì lương của Việt Nam thuộc dạng thấp nhất trong khu vực (thấp hơn Singapore 19 lần, Malaysia 6,5 lần, Philipiness 4,5 lần…).

Do đó, ông Diễn đề nghị, bản thân DN Việt Nam phải tự nâng cao về mọi mặt thì mới hy vọng đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển trong khối ASEAN. Trước hết là phải chủ động đón đầu, khai thác AEC… 

Đề cập đến khía cạnh hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ để DN Đà Nẵng nâng cao sức cạnh tranh trước cơ hội và thách thức mới, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, mặc dù thành phố có Quyết định về chính sách hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ nhưng đến nay mới chỉ có 3 DN được hỗ trợ đó (Cty Thép Dana – Ý: 45 triệu đồng; Cty CNTT Điện lực miền Trung: 60 triệu đồng và Cty Cơ khí Hà Giang – Phước Tường: 30 triệu đồng), chủ yếu hỗ trợ để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký hợp chuẩn, hợp quy, còn lại các DN vẫn chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ của thành phố hoặc không chịu đầu tư để đổi mới thiết bị công nghệ…

Rõ ràng, thực tế này đang mở ra một viễn cảnh đáng ngại cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như Đà Nẵng trong tương lai gần.

Xuân Đương