"Hồi sinh" Hải Vân quan

Thứ bảy, 19/05/2018 11:18

Để đi đến cái bắt tay lịch sử trên đỉnh Hải Vân quan, Đà Nẵng và TT-Huế đã bỏ lại sau lưng những "vùng vằng" kéo dài hàng mấy chục năm. Đến nay, khi công việc khảo cổ đã được tiến hành thì dự án trùng tu, bảo vệ, khai thác thậm chí vẫn chưa nằm trên giấy, huống gì nói đến sự phối hợp quản lý, khai thác như nhiều người đang sốt ruột. Ấy là do đây là di tích duy nhất trên cả nước  vắt qua ranh giới 2 địa phương.

Hải Vân quan đang được hồi sinh.   Ảnh: Công Khanh

Cái bắt tay chưa có tiền lệ

Ngày 14-4-2017, lần đầu tiên người ta thấy trên tấm bằng do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký công nhận Hải Vân quan là di tích quốc gia có 2 dòng chữ đứng chung là Thị trấn Lăng Cô, H.Phú Lộc, tỉnh TT-Huế và P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đây có lẽ cũng là thời khắc chấm dứt sự "vùng vằng" giữa hai địa phương khiến Hải Vân quan "trơ gan cùng tuế nguyệt" trong một thời gian dài đằng đẵng. Cách đây tròn 1 năm, trước cổng thiên hạ đệ nhất hùng quan, "tư lệnh" ngành văn hóa hai địa phương đã có cái bắt tay được xem là lịch sử, đưa số phận của di tích này sang một trang mới, hồi sinh giá trị văn hóa, lịch sử từng bị lãng quên.

Tuy nhiên, dư luận cũng sốt ruột và nghi ngại việc "bắt tay xong rồi để đó", vì đã một năm trôi qua chẳng thấy ai rục rịch gì. Hải Vân vẫn nhếch nhác, cũ kỹ, xuống cấp. Du khách vẫn vô tư leo trèo để "seo-phi", xong xả rác lại rồi quay đi. "Nhiều người nóng ruột cũng có lý, nhưng có trong cuộc mới biết, năm qua chúng tôi đã làm được khối lượng công việc rất lớn để đi đến việc khảo cổ, trùng tu. Cái khó nhất trong hàng chục năm qua, Đà Nẵng và TT- Huế đã làm được thì việc còn lại sẽ không còn là trở ngại. Nhưng từ bây giờ, đụng đến di tích là phải cẩn trọng, nóng vội là hỏng", ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tâm sự. Chung quan điểm, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định, khi đã có cơ sở pháp lý để trùng tu bảo tồn, không thể để một di tích quý giá như thế bị bỏ hoang. Không chỉ hồi sinh Hải Vân quan, chúng tôi sẽ cùng tạo ra tiền lệ để sau này các địa phương có cùng chung di tích có thể phối hợp với nhau, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc". Công cuộc khảo cổ, trùng tu để đánh thức những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích quốc gia sau nhiều năm hoang phế đang được tiến hành một cách cẩn trọng.

Giữa nắng gió trên đỉnh Hải Vân quan, các cán bộ, chuyên gia khảo cổ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn đang miệt mài với từng mạch ngầm tựa như "siêu âm" lòng đất để lần ra và giải mã những dấu tích bắt đầu từ cửa ngõ phía Bắc thiên hạ đệ nhất hùng quan. Ông Hoàng Văn Thưởng-chuyên gia phụ trách nhóm thực hiện nhiệm vụ khảo cổ thực sự hào hứng với nhiệm vụ đặc biệt này. "Sẽ rất mất công để lý giải những bí ẩn bắt đầu từ độ sâu gần 2m. Có cả những đặc trưng kiến trúc từ thời Minh Mạng, cả những dấu tích của lớp cát phù sa không phải của Hải Vân và cả những lời giải khác khi nơi đây được chọn làm nơi đồn trú, quan sát. Dưới lớp đất chúng ta chứng kiến lâu nay là những bí ẩn lý thú đang chờ được giải mã để hồi sinh", ông Thưởng tâm sự.

Nhiều bí ẩn lý thú đang được giải mã tại Hải Vân quan.    Ảnh: Công Khanh

Khảo cổ cổng phía Bắc của Hải Vân quan.    Ảnh: Công Khanh

Trách nhiệm với văn hóa trước khi nghĩ đến du lịch

Ngày 12-4 vừa qua, trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế bàn về việc tăng cường hợp tác, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, câu chuyện bảo tồn, trùng tu, quản lý Hải Vân quan đã được cụ thể hóa bằng một bản ghi nhớ giữa hai bên. Không đơn thuần là phát triển du lịch, lãnh đạo các ngành liên quan khẳng định Hải Vân quan còn là một không gian ký ức, là câu chuyện văn hóa, lịch sử. Thậm chí, khi làm tròn nhiệm vụ với giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống mới nói đến câu chuyện phát triển du lịch. Và tất cả đều phải có trách nhiệm với nhau. Là người đưa ra ý tưởng bắt tay "đánh thức" Hải Vân quan, ông Huỳnh Văn Hùng cùng người đồng nghiệp là ông Phan Thanh Hải quyết liệt tham mưu lãnh đạo hai địa phương đẩy nhanh những thủ tục cần thiết để tiến hành khảo cổ, lên kế hoạch trùng tu sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia. "Đà Nẵng chủ động đề xuất, TT-Huế đồng ý, đó là sự đồng thuận cần thiết, kịp thời. Nhưng đây là di tích vật thể cấp quốc gia liên tỉnh đầu tiên của cả nước, chưa có một hình mẫu nào trước đây nên chúng tôi phải bắt tay nhau vừa làm vừa hỏi. Chưa bao giờ có chuyện 2 địa phương là chủ đầu tư của một dự án trùng tu, bảo tồn như thế này. Nên rất lúng túng", ông Hùng cho hay.

Về quan điểm trùng tu Hải Vân quan, ông Hùng cho rằng, sau khi hoàn thành việc khảo cổ, nhất thiết phải tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia để có hướng đi đúng đắn, thích hợp. Chậm trễ là một thiệt thòi, nhưng sẽ có được những bài học, tránh những sai lầm không đáng có. Quan trọng là phải tránh tư duy chăm chăm vào phát triển du lịch mà quên mất công tác giữ gìn ký ức, phục vụ vấn đề học tập, nghiên cứu. Du lịch và văn hóa phải có trách nhiệm với nhau, như vậy mới phát huy hết giá trị của di tích, di sản. Ông Huỳnh Hùng cho hay, đầu tháng 9-2018, khi công tác khảo cổ hoàn thành, hai bên sẽ cùng nhau lập một dự án trùng tu sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia một cách cẩn trọng. Các đơn vị thực hiện cũng phải có tư cách pháp nhân, đủ năng lực thực hiện theo quy định của Bộ. Sau trùng tu sẽ là câu chuyện cùng quản lý, khai thác hay thậm chí đấu thầu với những tiêu chí khắt khe. "Không dừng lại ở đó, lãnh đạo hai địa phương còn hướng đến việc đưa Hải Vân quan trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trước mắt sẽ rất khó khăn, vì không thể giải quyết công việc của hàng chục năm trong ngày một ngày hai, đặc biệt là đối với di tích. Nhưng Huế và Đà Nẵng đang có quyết tâm chính trị rất cao cho nhiệm vụ "đánh thức" Hải Vân quan với ý nghĩa đặc biệt của nó", ông Hùng chia sẻ.

CÔNG KHANH