Hồi sinh những bệnh nhân tưởng chừng "cầm chắc cái chết"
Nhờ sự nỗ lực, tích cực cứu chữa bằng kỹ thuật cao cấp bậc nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu và sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân tưởng chừng "cầm chắc cái chết" trong tay đã dần ổn định sức khỏe, trở về bên gia đình và người thân…
Bs khoa HSCĐ - BV Đà Nẵng trò chuyện với thai phụ Hồ Thị N. |
Nỗ lực giành lấy sự sống cho thai phụ
Mới đây, các bác sĩ khoa Hồi sức chống độc (HSCĐ) - Bệnh viện Đà Nẵng đã cứu sống thai phụ Hồ Thị N. (dân tộc Giẻ Triêng, trú H. Phước Sơn, Quảng Nam) đang mang thai con so 24 tuần (bị tử lưu) và viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp. Được biết, chị N. cảm thấy mệt, sốt, ho, khó thở nên tự uống thuốc ở nhà 3 ngày. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện nên gia đình đưa chị vào TTYT H.Phước Sơn và một bệnh viện ở Quảng Ngãi điều trị 6 ngày. Sau đó, chị N. được chuyển gấp ra BV Đà Nẵng...
Bệnh nhân N. vào BV Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp cấp, tổn thương phổi cấp tính, trụy mạch, nồng độ oxy hóa máu giảm sâu, thai 24 tuần tử lưu. Sau khi hội chẩn viện, các bác sĩ tiến hành cấp cứu mổ lấy thai tử lưu, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và sử dụng hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu sống bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tổn thương đa cơ quan, có lúc phổi bệnh nhân chỉ sử dụng được 10%. Vì thế, ngoài ECMO phải tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu phối hợp. Sau gần 10 ngày, sức khỏe chị N. dần khá hơn nên được ngưng hỗ trợ ECMO. Bệnh nhân sức khỏe ổn định, nói chuyện, đi lại bình thường và được xuất viện sau hơn 1 tháng được điều trị tích cực... Bs.Ck 2 Hà Sơn Bình - Phụ trách Khoa HSCĐ cho rằng: Việc tiến hành ECMO, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân này rất phức tạp, không như những ca ECMO khác bởi nồng độ oxy hóa máu bệnh nhân quá thấp. Nếu các biện pháp thở máy, can thiệp ECMO không hiệu quả sẽ để lại các biến chứng nặng nề hoặc nguy cơ tử vong cao. Vì thế, bệnh nhân luôn được theo dõi bởi quy trình nghiêm ngặt, các biến đổi của bệnh nhân dù nhỏ nhất đều được ghi nhận và xử lý kịp thời.
Theo Bs.Ck 2 Hà Sơn Bình, bệnh nhân Hồ Thị N. là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí điều trị ngoài danh mục BHYT quá lớn, gia đình lại không có tiền để đóng viện phí ban đầu. Trước tình thế cấp bách, Khoa HSCĐ xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện cho nợ viện phí. Với mục tiêu tính mạng bệnh nhân là trên hết, bệnh viện đã bảo lãnh, duyệt nợ và tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân. "Sau đó, thông qua sự kết nối, kêu gọi của Phòng Công tác xã hội - BV Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân đã kịp thời hỗ trợ một phần viện phí cho bệnh nhân. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng được hỗ trợ ăn uống trong suốt hơn 1 tháng chăm bệnh. Sau khi xuất viện, bệnh nhân còn được "Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng" đưa về miễn phí tận nhà", bác sĩ Bình cho biết thêm.
Cũng bằng kỹ thuật ECMO, cách đây không lâu, y bác sĩ khoa HSCĐ - BV Đà Nẵng đã cứu sống ngoạn mục mẹ con thai phụ Trần Thị T.H (22 tuổi, trú Quảng Nam). Trước đó, khi thấy người vợ đang mang thai tuần thứ 20 có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, người chồng liền chở đến một bệnh viện gần nhà để thăm khám. Qua 3 ngày nằm điều trị, các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh nên anh xin đưa vợ lên tuyến trên. Khi đến BV Đà Nẵng, chị H. đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, trụy mạch. Ngay lập tức, chị H. được đưa vào khoa HSCĐ để được cấp cứu kịp thời. Qua kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ BV Đà Nẵng chẩn đoán bệnh nhân H. bị nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, viêm phổi dẫn đến suy tim... Sau 4 ngày điều trị, mặc dù các biện pháp hồi sức tích cực đều đã được áp dụng nhưng tình trạng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, huyết động vẫn còn rối loạn, suy đa cơ quan, tổn thương phổi tiến triển và đang có dấu hiệu suy thai cấp. Nguy cơ mất cả mẹ lẫn con đang rõ ràng hơn lúc nào hết... Trong nỗ lực nhằm tìm kiếm hy vọng sống cho bệnh nhân, Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức hội chẩn ngay trong đêm cùng với các bác sĩ điều trị, đồng thời điện xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế thành phố... Phương án khẩn cấp được đưa ra ngay trong đêm: Sử dụng hệ thống ECMO phối hợp với các biện pháp hồi sức khác, cứu sống cả hai mẹ con...
Sau 4 ngày, chức năng tim và huyết động của bệnh nhân dần ổn định, đặc biệt là thai nhi phát triển tốt, các bác sĩ quyết định ngưng hỗ trợ ECMO và tiếp tục hồi sức tích cực. 4 ngày tiếp theo bệnh nhân dần hồi phục, cai được máy thở và cho bệnh nhân ra viện...
Lấy lại nhịp tim cho bệnh nhân
Trước đó không lâu, khoa HSCĐ - BV Đà Nẵng cũng đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân bị ngừng tim hơn 1 giờ đồng hồ bằng kỹ thuật ECMO. Theo đó, bệnh nhân T.H.V (36 tuổi, trú Quảng Ngãi) được chuyển ra BV Đà Nẵng trong tình trạng hoại tử ruột, suy hô hấp do nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân V. được một BV ở địa phương phẫu thuật điều trị tiêu hóa nhưng gặp "sự cố" nên chuyển ra BV Đà Nẵng để điều trị. Chỉ sau 12 giờ nhập viện, bệnh nhân V. đã bị suy hô hấp cấp độ 2, các động mạch phổi bị tắc dẫn đến suy tuần hoàn và ngưng tim. Do biểu hiện của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật tiêu hóa nên rất khó chẩn đoán. Các bác sĩ nghi bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp và các nhánh nhỏ cũng bị bít. Bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện suy tuần hoàn và ngưng tim 1 giờ đồng hồ. Nhiều ê-kíp bác sĩ của các chuyên khoa đã nhanh chóng vừa tiến hành nhồi tim, vừa khởi động ECMO. Sau 10 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO khôi phục lại hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, bệnh nhân V. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện về nhà nghỉ dưỡng... Cùng thời điểm này, một bệnh nhân 42 tuổi (trú TP Đà Nẵng) cũng được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng "phổi câm", hệ hô hấp đã không còn hoạt động. Mặc dù được các bác sĩ cho thở máy hỗ trợ hô hấp nhưng không đáp ứng được nhu cầu khiến bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy tuần hoàn. Sau 4 ngày điều trị bằng phương pháp ECMO, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh, được các bác sĩ cho xuất viện.
Từ ngày đưa kỹ thuật ECMO vào áp dụng (năm 2015), BV Đà Nẵng đã giúp cứu sống được hàng trăm bệnh nhân trong tình trạng tưởng như vô phương cứu chữa và tất cả các bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn...
LÊ HÙNG