Hội Tết Nguyên Tiêu phố cổ
Chùa Cầu lung linh dưới ánh đèn lồng. |
Ngày 14, 15 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài nước đổ về Phố cổ Hội An (Quảng Nam) tham dự Tết Nguyên Tiêu để cầu một năm an lành, làm ăn phát đạt, vạn sự như ý... Để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tham quan của người dân và du khách, UBND TP Hội An tổ chức nhiều hoạt động trong dịp Tết Nguyên Tiêu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất (nhằm ngày 1-3 đến ngày 3-3-2018) với hiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Đêm thơ Nguyên Tiêu chào mừng ngày thơ Việt Nam, lễ cúng Nguyên Tiêu, thả hoa đăng, hát bài chòi, hát bội, các trò chơi dân gian... đã diễn ra trong lễ hội. Vào những ngày này, đèn hoa đăng lấp lánh trên dòng sông Hoài thơ mộng. Trong không gian Phố cổ, hàng nghìn chiếc đèn lồng truyền thống được trang trí khắp các con phố, lung linh huyền ảo đủ màu sắc càng tăng thêm vẻ lãng mạn, quyến rũ, thơ mộng.
Nếu muốn cầu xin điều gì đó, du khách sẽ thả một chiếc đèn hoa đăng xuống sông Hoài kèm theo lời ước nguyện. Tết Nguyên Tiêu đối với cộng đồng cư dân người Hoa ở Hội An mang một ý nghĩa tâm linh quan trọng, theo người dân ở Phố cổ Hội An, Rằm tháng Giêng là dịp để tỏ lòng thành kính đối với các vị tiền hiền, cầu mong một cuộc sống tốt đẹp, công việc làm ăn thuận lợi, phát đạt. Đây còn là ngày "Thiên quan tứ phước", ngày các quan trời ban phước lành cho mọi người trên thế gian. Vì vậy, người dân ở Hội An luôn tổ chức cúng tế, cầu an, giải hạn, trang hoàng nhà cửa và phố phường rực rỡ, đồng thời mở hội vui chơi để công việc của năm mới được vạn sự như ý. Đặc biệt, vào những dịp này, những ngôi chùa lớn tại Hội An như Chùa Cầu, Chùa Ông, Chùa Phước Kiến... luôn đông nghịt người. Người dân và du khách nườm nượp đổ về để cầu lộc, cầu tài, rút quẻ và xin xăm, xem vận hạn trong năm mới và tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi chùa nổi tiếng Phố cổ.
Hai du khách người Hàn Quốc thích thú mua hoa đăng. |
Ngoài những trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, thả hoa đăng, du khách còn được thưởng ngoạn các làn điệu dân ca xứ Quảng, hát hò khoan đối đáp, ngâm thơ, du thuyền trên sông Hoài... và có dịp thưởng thức các món ẩm thực đặc sản ở Hội An như: Cao lầu, mì Quảng, bánh vạc, hến trộn, cơm gà... Người dân cùng du khách vui vẻ, nhiệt tình tham dự nhiều sinh hoạt, trò chơi dân gian. Từng dòng người từ TP Đà Nẵng, các vùng lân cận, đặc biệt là du khách nước ngoài đổ về Hội An, làm không khí lễ hội Tết Nguyên tiêu càng thêm sôi động, hấp dẫn. Chị Phạm Bích Trường (một Việt kiều Nhật Bản) hào hứng chia sẻ: "Đã hơn 10 năm rồi tôi mới quay lại Hội An, ở đây thay đổi và phát triển quá nhiều. Tôi thật sự rất thích không khí và con người nơi đây. Cảnh Phố cổ về đêm dưới ánh đèn lồng và hoa đăng dưới dòng sông Hoài thật tuyệt vời. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại nơi đây nhiều lần nữa"...
T.H