Hội thảo phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020: Biết cái họ cần mà cho

Thứ bảy, 27/09/2014 08:13

(Cadn.com.vn) - Đề án phát triển doanh nghiệp (DN) TP Đà Nẵng đến năm 2020 đưa ra những giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cạnh tranh của DN, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề án vừa được đưa ra thảo luận tại Hội thảo phát triển DN TP Đà Nẵng đến năm 2020 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 26-9.

Số lượng DN Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và tương đối ổn định. Trong giai đoạn 2009-2013, có 11.929 DN thành lập mới trong đó DN dân doanh là 11.756, DN FDI là 173. Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn TP có 12.759 DN đang hoạt động, tập trung nhiều nhất là lĩnh vực thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 68,8%, xây dựng chiếm 13,5%, sản xuất công nghiệp chiếm 11,9%...

Sự phát triển nhanh về số lượng các DN đã kéo theo sự gia tăng nguồn vốn huy động để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Năm 2009, tổng vốn đăng ký là 2.347 tỷ đồng thì đến ngày 31-12-2013, tổng vốn đăng ký đã là 70.020 tỷ đồng (không tính vốn DN FDI). Nhưng nếu xét về góc độ vốn để phân loại DN thì quy mô của DN trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu là DN nhỏ và vừa chiếm đến 98%. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 76,07%. Đa số DN có vốn lớn đều nằm ở khu vực vốn đầu tư nước ngoài, Cty cổ phần.

Ông Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP, các DN trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, trong đó, khó khăn về thị trường là lớn nhất. Đối với thị trường trong nước là sự cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, hàng giả, hàng nhái…), DN chưa tạo được thương hiệu cho các sản phẩm của mình, quy mô thị trường nhỏ, chi phí vận chuyển lớn, thiếu thông tin nên rất khó trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, đồng thời việc thiếu các kênh phân phối do chất lượng sản phẩm thấp, số lượng ít nên khó tiếp cận với các siêu thị lớn.

Đối với thị trường xuất khẩu có 38,5% DN cho rằng việc tiếp cận, mở rộng thị trường là khó khăn lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là các DN sản xuất tại Đà Nẵng hiện nay chưa đồng bộ, nguồn cung nguyên vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất ra khó cạnh tranh trên thị trường do chưa có thương hiệu và chưa tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Về thị trường các yếu tố đầu vào, chủ yếu là giá đầu vào cao, nguồn cung không ổn định, số lượng nguồn cung còn hạn chế.

Trước thực trạng này, UBND TP đã xây dựng Đề án phát triển DN TP Đà Nẵng đến năm 2020, đưa ra các chính sách hỗ trợ DN về pháp lý, chính sách tài chính, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, hoạt động xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các chính sách thuế hỗ trợ cho DN.

Đặc biệt là thành phố đã và đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để củng cố, giữ vững và mở rộng thị trường, hỗ trợ DN phát triển; tổ chức hoạt động giao thương giữa DN Đà Nẵng với các tổ chức, DN trong và ngoài nước, tổ chức tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài để các DN có cơ hội để quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường, góp phần xây dựng những chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn; đồng thời cũng tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước đối với DN, qua đó hướng dẫn và giải đáp các yêu cầu bức thiết cho phát triển kinh doanh. Định hướng phát triển của Đề án là theo ngành nghề: hướng đến công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, theo không gian các quận huyện.

* Mục tiêu của đề án phát triển DN đến năm 2020 là số lượng DN phát triển tăng thêm bình quân 10%/năm, giải quyết việc làm bình quân cho 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ DN chiếm 65-70% tổng vốn đầu tư thành phố và đóng góp 75-85% tổng thu ngân sách của thành phố. 

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển DN tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - rất thẳng thắn: “Để thực hiện Đề án, Đà Nẵng cần bổ sung nguồn lực, kỹ năng, công cụ. Trong đó đề án phát triển DN Đà Nẵng đã bộc lộ một số hạn chế.

Đầu tiên, Chính quyền không phải làm thay DN, mà phải là định hướng cho sự phát triển chung của DN. Trong đó, khâu định hướng cần điều chỉnh, hướng đến chính là phát triển dịch vụ: du lịch, ngân hàng, logistics chứ không phải là chú trọng ngành là dệt may, cơ khí hay nông nghiệp. Đặc biệt không nên chia sự phát triển theo không gian mà tập trung vào việc giải quyết các vấn đề mà DN gặp phải.

Nguyên nhân căn bản là mình có gì, mình cho DN mà đôi khi quên mất DN cần gì. Chính vì vậy, công tác điều tra DN phải được chú trọng, chuyên môn hóa cao mang tính rộng khắp, không chỉ trong địa bàn mà còn ở mức quốc gia, quốc tế. Đội ngũ làm việc này phải có kỹ năng phân tích tài chính, tiếp cận thị trường chứ không phải là “kỹ năng bàn giấy”, nên mức lương của họ cũng phải khác, phải cao hơn so với công nhân viên bình thường khác”.

Ngoài ra còn có một số các ý kiến khác cho rằng khâu đăng ký DN cần phải “thanh lọc” kỹ trước khi cấp phép vì khi DN không đủ năng lực “biến mất” sau khi đã ký hợp đồng, nhận hàng… sẽ làm tổn thất lớn cho các DN làm ăn chân chính. Một số ý kiến tán đồng việc chú trọng ngành nghề dịch vụ, đặc biệt là hướng đến dịch vụ xanh như du lịch…

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tổng hợp lại các ý kiến, xem xét lại tính khả thi của các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DN trong thời gian qua, từ đó sẽ có các giải pháp, chính sách phát triển DN mới phù hợp hơn trong thời gian đến; thực hiện và đổi mới các cơ chế, chính sách.

UBND TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong đấu thầu các dự án đầu tư, mua sắm công, khai thác tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ quá trình phát triển DN, nhất là nguồn lực về vốn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch. Chúng tôi sẽ có các chương trình nâng cao năng lực quản trị cho các DN, đặc biệt là phát huy vai trò hoạt động của các tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp”.

Lê Anh Tuấn