Hội thảo quốc tế về Biển Đông tác động mạnh mẽ đến dư luận thế giới
(Cadn.com.vn) - Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông do Học viện Ngoại giao, Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Hội luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP Vũng Tàu. Hơn 200 học giả, quan chức và nhà hoạch định chính sách các nước Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN... đã đến tham dự. Trao đổi với báo giới về Hội nghị, Tiến sỹ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định:
Tiến sỹ Đặng Đình Quý. |
P.V: Theo tiến sỹ, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này sẽ có tác động như thế nào đến chính giới và dư luận thế giới?
Tiến sỹ Đặng Đình Quý: Hội thảo lần này sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều giới, trong đó có dư luận quốc tế. Đầu tiên, hội thảo sẽ có tác động đến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách của các nước, nhất là hơn 50 quan chức của chính phủ các nước tham dự hội thảo sẽ là những người trực tiếp nắm bắt được các vấn đề. Thứ hai là, hội thảo sẽ tác động đến giới học giả. Các cuộc tranh luận hết sức thẳng thắn, thậm chí có lúc tương đối căng thẳng, nhưng rất khoa học. Qua đó, có thể chuyển biến được nhận thức của các học giả, họ sẽ viết bài, kiến nghị với chính phủ và định hướng công luận. Ngoài ra, qua hội thảo lần này, bản thân các học giả cũng có thể sẽ nảy sinh ra những ý tưởng nghiên cứu mới để cho hội thảo năm tới và các năm tiếp theo, liên tục kéo dài, ngày càng thực chất hơn, đưa ra những kiến nghị ngày càng hiệu quả hơn cho chính phủ các nước liên quan.
P.V: Học viện Ngoại giao dự kiến những hoạt động gì trong thời gian tới để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông?
Tiến sỹ Đặng Đình Quý: Học viện ngoại giao sẽ tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về các khía cạnh lịch sử và pháp lý của vấn đề Biển Đông một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Học viện Ngoại giao sẽ thực hiện tốt chức năng là đầu mối nghiên cứu về Biển Đông để phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều người và các cơ quan nghiên cứu về Biển Đông, nhưng Học viện Ngoại giao có vinh dự và trách nhiệm là đầu mối đứng ra tổ chức các hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn công tác này. Bên cạnh đó, Học viện Ngoại giao cũng sẽ tăng cường và làm tốt hơn hoạt động đấu tranh ngoại giao theo kênh học giả như hội thảo lần này để tranh thủ sự đồng tình của giới học giả và công luận các nước.
Cùng với việc làm theo đường lối ngoại giao “tâm công” của Bác Hồ, chúng tôi sẽ cố gắng làm cho học giả và công luận các nước hiểu rõ chính sách, sự chính danh và tính chính nghĩa của đất nước mình. Từ đó, nhân dân và giới học giả thế giới sẽ đồng tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta.
P.V: Trân trọng cảm ơn Tiến sy!
Xuân Vịnh/TTXVN
(thực hiện)