Hội thảo Tiểu vùng Đông Nam Á về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể tại Đà Nẵng
Với chủ đề "Di sản văn hóa phi vật thể chung và kinh nghiệm ở Đông Nam Á", hội thảo thu hút đông đảo đại biểu đến từ Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và các tổ chức quốc tế như: ICHCAP, Văn phòng UNESCO Bangkok, Văn phòng UNESCO Hà Nội… tham gia thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như: Thiết lập hệ thống hợp tác để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể chung ở Đông Nam Á. Nâng cao sự đa dạng văn hóa thông qua bảo vệ di sản chung trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nghiên cứu khả thi văn hóa chung về lúa gạo, nghề thủ công truyền thống ở Đông Nam Á, Di sản văn hóa phi vật thể biển ở Đông Nam Á. Nghề sơn mài truyền thống và những tri thức chung. Nghiên cứu khả năng gạo nếp/xôi như là một di sản văn hóa phi vật thể chung…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, hội thảo lần này tập trung vào nhận diện những vấn đề di sản chung về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội khởi đầu để thiết lập sự hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hay danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần tạo nên sự đa dạng và kết nối văn hóa nổi bật trong khu vực, giúp xây dựng nền tảng cho các di sản văn hóa phi vật thể chung khác nhau.
Được biết, hội thảo Tiểu vùng về di sản văn hóa phi vật thể là hội nghị quốc tế dựa trên khuôn khổ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hội thảo được tổ chức hai năm một lần, tập trung vào 48 quốc gia thành viên châu Á-Thái Bình Dương và các bên liên quan khác. Đã có 5 hội thảo Tiểu vùng được tổ chức ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á và Thái Bình Dương với mục đích tăng cường mạng lưới và hợp tác khu vực. Hội nghị lần này diễn ra 3 ngày (từ 15 đến 17-11) tại TP Đà Nẵng, là nơi để những người tham gia hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa và có cơ hội sắp xếp các hoạt động giao tiếp đa phương giữa các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á dựa trên sự tôn trọng, cùng tồn tại và đoàn kết.
Đinh Nga