Hồi trống lệnh cho ngành Du lịch Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Ngày 9-8, tại TP Hội An (Quảng Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng hai Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Đây được xem là hội nghị “Diên Hồng” nhằm đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển.
Ngành du lịch như “ngôi sao cô đơn”
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không bàn về thành tích mà muốn lắng nghe những phát biểu thẳng thắn về bất cập, tồn tại của ngành Du lịch. Với tâm huyết ấy của Thủ tướng, hội nghị nóng lên với những phản ánh thực trạng trì trệ của ngành Du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ hơn 38 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2015. Dẫu vậy, du lịch Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế.
Trong năm 2015, nước ta chỉ đón 7,94 triệu du khách quốc tế thì Thái Lan đón 30 triệu, Malaysia đón 26 triệu, Singapore đón 15 triệu, Indonesia đón 10 triệu... Nhiều yếu tố trụ cột của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, bao gồm môi trường hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, tài nguyên văn hóa và tự nhiên... Việt Nam xếp sau hầu hết các nước ASEAN. Ông Thiện cho rằng, ngành Du lịch còn nhiều hạn chế, yếu kém nội tại như xúc tiến quảng bá hạn chế, thiếu điểm đến du lịch nổi trội, thiếu nguồn nhân lực du lịch... nên việc cạnh tranh với các nước trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho biết rất buồn khi thấy du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp hơn cả Lào và Campuchia. “Việt Nam chúng ta có nhiều thắng cảnh đẹp, di sản thế giới, con người hiền hậu thế mà du lịch không thể phát triển. Khách quốc tế quay trở lại với Việt Nam rất thấp. Tôi thấy, ngành Du lịch chưa có chiến lược phát triển bài bản, vẫn loay hoay tìm đường và thiếu sự phối hợp với các ban ngành chức năng khác. Ngành Du lịch giống như ngôi sao cô đơn vậy” – ông Trần Bắc Hà nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ- Tổng giám đốc Vietravel cho rằng đây là hội nghị lịch sử về ngành Du lịch, để các doanh nghiệp du lịch phản ánh những khó khăn đến với Thủ tướng Chính phủ. Ông Kỳ cho biết, thời gian qua có rất nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam tổ chức các tour du lịch trái phép, khiến cho Nhà nước thất thu thuế, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch. Ông Kỳ nói: “Chúng tôi rất đau xót trước thực trạng này, tuy nhiên nhiều địa phương chưa quản lý được. Tôi cho rằng, muốn du lịch Việt Nam phát triển ngoài việc quản lý tốt hoạt động du lịch, chúng ta cần phải có chiến lược phát triển và xây dựng thương hiệu Quốc gia về du lịch”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc phát triển du lịch đã nói 10 năm nay, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều chuyển biến, điều này khiến ông rất trăn trở. Phó thủ tướng kể, trong một lần đến sân bay Nội Bài, ông cố ý đi ra từ cổng dành cho hành khách thông thường thì chứng kiến một nhân viên hải quan có lời nói gắt gỏng với một nữ hành khách. “Điều đó cho thấy thái độ phục vụ du khách của một bộ phận trong ngành Du lịch vẫn chưa tốt. Ngoài việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tạo cơ chế thông thoáng, xúc tiến quảng bá tốt, làm thủ tục visa nhanh thì chúng ta cần phải nâng cao ý thức làm du lịch của cộng đồng... Để đưa du lịch phát triển còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta cùng nhau xắn tay áo để thực hiện”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu về dự hội nghị. |
Phải đưa du lịch phát triển
Ngành Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển KT-XH. Trong giai đoạn 2016- 2020, du lịch thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 70 – 75 triệu lượt khách nội địa. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch đóng góp 9 – 10% trong GDP... Tuy nhiên đây là mục tiêu không hề đơn giản, khi mà ngành Du lịch Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Đại diện Hàng không Việt Nam cho rằng, cần nâng cao quảng bá và xúc tiến du lịch ở các nước trên thế giới.
Trước đây, ngành Du lịch không có kế hoạch dài hạn để xúc tiến du lịch, khi tham gia các hội chợ quảng bá du lịch ở nước ngoài thì gian hàng của Việt Nam không ấn tượng, nằm ở góc khuất. Nguồn vốn quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam cũng hạn chế, khi mới đầu tư khoảng 2 triệu USD/năm, còn các nước khác đầu tư khoảng 80 đến 100 triệu USD. Điều đó, khiến du khách quốc tế không biết nhiều đến Việt Nam, thương hiệu du lịch vì vậy chưa có sức cạnh tranh. Dẫn clip “Welcome to Viet Nam” giới thiệu cảnh đẹp Việt Nam do Bộ Ngoại giao thực hiện đã tạo ấn tượng tốt đến với người dân và du khách, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng điều quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch không phải thiếu tiền mà là thiếu ý tưởng. “Du lịch Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng, nhưng lại nghèo sản phẩm nên không thể thu hút được du khách. Chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và tư duy về du lịch, phải xem du lịch là ngành kinh tế và ứng xử với nó như kinh tế thị trường. Nỗ lực để đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, nhưng không phải địa phương nào cũng phát triển du lịch, mà chỉ tập trung phát triển ở vài địa phương có tiềm năng” – Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.
Ông Đặng Việt Dũng- Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng muốn phát triển du lịch thì cần phải xác định được thị trường trọng điểm, từ đó tổ chức quảng bá. Ngoài ra, cần phải đào tạo và quản lý đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, ngành du lịch cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho du khách khi đến Việt Nam du lịch và Nhà nước tạo cơ chế để các địa phương có du lịch phát triển thành lập lực lượng cảnh sát du lịch...
Trước những trăn trở của các địa phương và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định nhiều vấn đề để giúp du lịch Việt Nam phát triển. Thủ tướng cho biết đã dành 200 tỷ đồng để Bộ Công an nghiên cứu thực hiện việc cấp visa điện tử cho du khách tại các cửa khẩu từ ngày 1-1-2017. Giao Bộ Công an nghiên cứu đề án hình thành lực lượng Cảnh sát du lịch, trình Chính phủ xem xét. Thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, theo đó ngân sách Nhà nước cấp ban đầu khoản kinh phí khoảng 200 – 300 tỷ đồng. Giao Bộ GTVT chủ trì cùng các bộ ngành trình đề án về việc mở các đường bay trực tiếp từ quốc gia đến địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Giao Bộ VH-TT&DL lập bảng quy tắc ứng xử dành cho du khách, có kế hoạch cụ thể tổ chức hội chợ du lịch, nhất là hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dù có nhiều tiến bộ, tuy nhiên ngành Du lịch vẫn còn nhiều bất cập, khiếm khuyết, chưa tương xứng với tiềm năng. Để đưa du lịch phát triển, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, tạo sự đột phá để phát triển cả số lượng, chất lượng. Đến năm 2020 du lịch Việt Nam đóng góp từ 10 đến 12% trong cơ cấu GDP, có ít nhất 15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam và 75 triệu khách nội địa, gấp đôi thời điểm hiện nay. Để làm được điều đó, các cấp bộ ngành phải cùng nhau phối hợp, nỗ lực hết sức để thực hiện. Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, giúp doanh nghiệp du lịch phát triển mạnh, từ đó tạo động lực để đưa du lịch Việt Nam phát triển. Quản lý tốt các điểm đến, xỷ lý nghiêm các hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam, cần thiết rút giấy phép, xử phạt thật nặng những đơn vị vi phạm. Chúng ta cần phải hành động để ngành du lịch không phải là ngôi sao cô đơn. Chúng ta sẽ đưa du lịch Việt Nam phát triển, nhất quyết sẽ làm được”.
Hoàng Anh