Hôm nay, bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ hai, 05/01/2015 07:35

(Cadn.com.vn) - Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được tiến hành hôm nay (5-1) đến ngày 5-4-2015.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần sửa đổi lớn với mục đích xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật Dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

Dự án đã sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Với vị trí và tầm quan trọng cũng như sự tác động lớn của Bộ luật tới đời sống người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), từ ngày 5-1 đến 5-4-2015. Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định. Hình thức lấy ý kiến thông qua góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

P.V