Hơn 100 hộ dân trả lại tiền bồi thường sự cố môi trường biển

Thứ sáu, 30/11/2018 15:30

Nhiều trường hợp ở xã Phú Xuân, H. Phú Vang (tỉnh TT- Huế) dù không đủ điều kiện để nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền. Qua rà soát, lập đoàn kiểm tra, CAH Phú Vang (TT-Huế) và ngành chức năng của huyện này vừa phát hiện có 152 trường hợp (hiện 1 trường hợp đã chết) không đủ điều kiện vẫn được nhận tiền bồi thường.

Qua 3 đợt chi trả tiền sự cố môi trường biển, người dân bị ảnh hưởng của xã Phú Xuân được bồi thường hơn 18 tỷ đồng. (trong ảnh, Phú Xuân có nhiều hồ nuôi trồng thủy sản lớn).

Không phải lao động trực tiếp vẫn được bồi thường

Cùng với các huyện, thị xã khác trên địa bàn TT-Huế, sự cố môi trường biển xảy ra trên địa bàn H. Phú Vang từ tháng 4 đến 9-2016 ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven biển và đầm phá. Trong đó, có xã Phú Xuân xảy ra hiện tượng tôm, cua, cá chết bất thường. Thực hiện việc hướng dẫn rà soát các đối tượng hỗ trợ thiệt hại, UBND xã đã tổ chức các phiên họp triển khai cụ thể, hướng dẫn quy trình kê khai, thống kê, xác định đối tượng, tổng hợp thiệt hại, thẩm định phê duyệt đối tượng... hỗ trợ thiệt hại. Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, việc chi trả tiền bồi thường của địa phương gồm 3 đợt, trong đó đợt 1 (vào tháng 5-2017) là 1.207 đối tượng với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng; đợt 2 (tháng 7-2017) có 800 đối tượng được hỗ trợ với kinh phí hơn 7 tỷ đồng và đợt 3 là hơn 26 triệu đồng.

Thượng tá Trần Xuân Cường-  Phó trưởng CAH Phú Vang cho biết, quá trình chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, H. Phú Vang là địa bàn có đến hơn 18.000 người được chi trả bồi thường với số tiền lên đến 380 tỷ đồng. Vì vậy, trong suốt thời gian chi trả, CAH Phú Vang, nhất là lực lượng an ninh thường xuyên theo dõi chặt chẽ, giám sát đối tượng được thụ hưởng, thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm chi trả tiền bồi thường... Theo Thượng tá Cường, quá trình theo dõi, CAH Phú Vang phát hiện, tại địa bàn Phú Xuân có nhiều đối tượng dù không nằm trong diện được bồi thường nhưng vẫn có tên trong danh sách. "Theo quy định, việc bồi thường chỉ được áp dụng cho những lao động trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều đối tượng mà gia đình có ao, hồ nằm trong diện được đền bù nên đã lợi dụng lập thêm danh sách những người không trực tiếp làm công việc này (những người được bồi thường phần lớn họ là sinh viên, công nhân, doanh nghiệp tư nhân, buôn bán...- P.V) vẫn được kê khai nhận tiền.

Bên cạnh một số trường hợp đã nộp lại tiền thì có nhiều trường hợp không chịu nộp.

Hơn 830 triệu đồng vẫn chưa được thu hồi

Qua rà soát, điều tra, CAH Phú Vang xác định, có 152 trường hợp (hiện 1 trường hợp đã chết) nhận tiền không đúng đối tượng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngay sau đó, CAH tham mưu cho Huyện ủy, UBND H. Phú Vang thành lập các tổ công tác tiếp tục rà soát và sau đó đã ra quyết định về việc hủy đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở xã Phú Xuân đối với 151 trường hợp. Ông Nguyễn Viết Mạnh- Trưởng phòng Nông nghiệp H. Phú Vang xác nhận, quá trình làm việc, 151 trường hợp nhận tiền nói trên đã thừa nhận, không phải là đối tượng được bồi thường. Theo ông Mạnh, một số trường hợp lợi dụng gia đình có làm nghề nuôi trồng thủy sản nên khi lập danh sách để bồi thường thì cứ đưa tên vào vì cứ nghĩ rằng đây là tiền của Formosa. Đại tá Bùi Hồng Phong- Trưởng CAH Phú Vang khẳng định, tất cả 151 trường hợp nhận tiền không đúng đối tượng, huyện đều có biên bản làm việc, đối tượng nhận tiền có ký tên và họ đều khẳng định không phải là đối tượng được nhận bồi thường và họ đã cam kết sẽ trả lại số tiền đã nhận. Sau một thời gian vận động, tính đến ngày 29-11 đã có 43 đối tượng đã nộp đủ với số tiền hơn 375 triệu đồng, 70 đối tượng đã nộp nhưng chưa đủ với số tiền hơn 110 triệu đồng. Ngoài ra, có 38 đối tượng chưa đến nộp với số tiền hơn 331 triệu đồng. Tổng số tiền còn lại phải thu hồi là hơn 832 triệu đồng.

Khi được hỏi, vì sao lại để xảy ra tình trạng 151 trường hợp không phải là đối tượng được nhận bồi thường mà vẫn có tên trong danh sách được nhận tiền, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân lý giải rằng, trước đó do việc chi trả tiền đền bù đợt 2 quá gấp gáp nên "xã không có thời gian để kiểm tra, xác minh các trường hợp trên có đúng đối tượng hay không, và rằng sau khi hoàn thành việc trả tiền hỗ trợ đợt 2 thì "cấp trên phối hợp với xã thì xã mới cho xác minh lại và phát hiện nhiều trường hợp không đúng đối tượng". Nói về trách nhiệm để xảy ra sai sót này, ông Nguyễn Văn Chính- Phó Chủ tịch UBND H. Phú Vang cho biết, bước đầu, lãnh đạo Thường vụ Huyện ủy đã xử lý những cá nhân vi phạm. Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân hiện đã bị điều chuyển công tác đến bộ phận khác và một số cá nhân liên quan cũng đã bị xử lý.

Theo Thượng tá Trần Xuân Cường, qua nắm tình hình, đối với 38 người nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển không đúng đối tượng nhưng đến nay vẫn không chịu nộp lại là vì họ không phải không có tiền mà họ cố tình không nộp. "Đằng sau sự việc này, có một số đối tượng xúi giục, kích động gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự ở địa phương. Hiện, cơ quan CA đang tiếp tục theo dõi những việc làm của các đối tượng này để có biện pháp xử lý"- Thượng tá Cường khẳng định.

H.LAN