Hơn 1,44 triệu cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

Thứ hai, 04/12/2023 21:51
Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với các điểm cầu của Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến cơ sở.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (hàng đầu, thứ nhất, bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (hàng đầu, thứ 2, trái qua) cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trình bày Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai - Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Dự tại đầu cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (hàng đầu, thứ nhất bên phải) cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (hàng đầu, thứ nhất, bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (hàng đầu, thứ 2, trái qua) cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Tại điểm cầu Công an thành phố, Đại tá Trần Đình Liên. Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an thành phố chủ trì hội nghị.

Hội nghị được kết nối tới 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc; có hơn 1.441.200 cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.

Trong thời gian 1,5 ngày (trong đó, 1 ngày nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; 0,5 ngày dành cho các Tỉnh, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết), các đại biểu dự hội nghị được nghe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trình bày Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Nghị quyết nhấn mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Tiếp đến, các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Nghị quyết đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, đó là: Đến năm 2030, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất, tinh thần; hoàn thiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi; đạt 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ, 33 điều dưỡng viên/10.000 dân; có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa… Đến năm 2045, hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người cao trên thế giới.

Dịp này, các đại biểu cũng được nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.

Nội dung tất cả các chuyên đề tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những điểm mới của các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ở địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, hình thức, đối phó; làm sao cho Nghị quyết phải đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.

“Nhiệm vụ của năm 2024 được triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; một số phát sinh có thể nằm ngoài dự kiến của chúng ta; một số địa phương phải tăng tốc, có giải pháp đột phá mới có thể đạt được mục tiêu chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ; đòi hỏi phải chủ động nắm sát tình hình kịp thời có giải pháp phù hợp; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Công Hạnh