Hỗn độn thị trường dược liệu

Thứ năm, 07/05/2015 11:15

Bài 1: Lương y "xịn" cũng khó phân biệt thuốc giả

(Cadn.com.vn) - Thị trường thuốc trong đông y đang hỗn độn thật giả, khiến nhiều lương y kinh nghiệm cũng khó phân biệt nói gì tới người dùng. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn dược liệu này đang là bài toán khó với ngành chức năng.

Chủ tịch Hội dược liệu Đà Nẵng Nguyễn Đức Dũng cho biết cả những lương y lão luyện cũng khó phân biệt dược liệu giả. 

Thấy thuốc mà sợ

Vấn nạn dược liệu giả, kém chất lượng khiến ngay cả các lương y lão luyện cũng khổ sở. Lương y Nguyễn Đức Dũng- Chủ tịch Hội dược liệu Đà Nẵng chia sẻ: "Tiền nhân dạy rằng lương y như lương tướng, dụng dược như dụng binh. Một thang thuốc phải đủ số lượng vị mới chữa khỏi bệnh, giờ chỉ cần 1-2 vị giả, thuốc uống hoài không khỏi, tội cho thầy thuốc quá, họ đâu phải kém tài".

Lương y Dũng dẫn chứng, để có công hiệu bổ thận, đen tóc thì hà thủ ô phải bào chế bài bản tỉ mỉ theo từng công đoạn công phu, qua 9 lần phơi, phải nấu với đậu đen. Nhưng bây giờ dễ dãi quá, ra tiệm thuốc đông y bảo mua hà thủ ô bao nhiêu cũng có, giá lại rất rẻ, nhưng đem về uống hoài tóc không đen.

Một phần vì hà thủ ô bào chế sơ sài, không đúng quy cách nhưng phần quan trọng là kém chất lượng, là giả. Thực sự, với các lương y dù lâu năm trong nghề, nhiều khi phân biệt dược liệu thật giả cũng khó, làm sao đòi hỏi các thầy thuốc mới học ở trường ra có thể phân biệt được. Một sự thật không thể phủ nhận là thị trường dược liệu đang là ma trận hỗn độn, rất khó quản lý. "Tôi ra ngoài thấy thuốc đông y bán mà còn sợ", lương y Dũng nói.

Cũng theo Chủ tịch Hội dược liệu Đà Nẵng, chưa tới 20% nguồn dược liệu dùng trong đông y ở Đà Nẵng khai thác từ tự nhiên, chủ yếu là khu vực rừng núi Bà Nà, Hòa Bắc, Hòa Phong với các loại cây thuốc như thiên niên kiện, thổ phục linh, kê huyết đằng, mạn kinh tử...

Như vậy, còn hơn 80% nguồn dược liệu dùng trong đông y ở Đà Nẵng phải nhập khẩu, trong đó nhập chủ yếu từ Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch. Vị Chủ tịch Hội dược liệu nói, nhập qua đường tiểu ngạch thì nguồn dược liệu khó được kiểm soát, chất lượng trôi nổi, đó cũng là lý do nguồn dược liệu giả, kém chất lượng tràn lan hỗn độn ngoài thị trường.

Chưa nói về chất lượng thuốc ở các cơ sở kinh doanh (thường gọi là nhà thuốc đông y), ngay cả nguồn dược liệu nhập vào BV cũng là bài toán khó. BS Nguyễn Văn Ánh- Giám đốc BV Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, mỗi năm khoa Dược của BV bào chế, sử dụng khoảng 1 tấn dược liệu. Nguồn dược liệu này được mua thông qua đấu thầu tại Sở Y tế qua Cty Dược Đà Nẵng sau khi đã được kiểm nghiệm nguồn gốc, chất lượng.

Việc bào chế số dược liệu này thành các dạng thuốc được BV tiến hành công phu, bằng máy móc, kỹ thuật cao. Do rất kén chọn trong bào chế nên tỷ lệ hao hụt lớn, buộc BV phải bù lỗ, như năm 2013 phải bù lỗ tới 250 triệu đồng. Nhờ bào chế công phu nên chất lượng thuốc rất tốt và giá bán thường cao hơn các nhà thuốc đông y bên ngoài.

Mặc dù ở BV Y học cổ truyền Đà Nẵng chưa xảy ra trường hợp phản ứng tiêu cực nào do dùng thuốc đông y của BV bào chế, nhưng theo đánh giá của Viện dược liệu- Bộ Y tế, khoảng 10 dược liệu sử dụng trong bệnh viện hiện nay chưa đảm bảo chất lượng.

Chẳng hạn như Bạch linh có lẫn nhiều hạt màu trắng, sờ bột dính tay, soi bột không thấy sợi nấm giống dược liệu đối chiếu; Thỏ ty tử có tỷ lệ hạt chìm trong nước lớn, tỷ lệ tro toàn phần không đạt yêu cầu; Kim ngân hoa có lẫn hoa lạ màu vàng nâu, mặt người phủ lông ngắn, cứng và giòn bẻ dễ gẫy hơn hoa thật; Thăng ma dùng rễ của cây khác có hình thái gần giống; Hoài sơn lẫn với củ cọc, củ mỡ...

Hơn 80% dược liệu phải nhập khẩu chủ yếu lại qua đường tiểu ngạch nên chất lượng khó lường.

Mất tự chủ nguồn dược liệu

Lương y Nguyễn Đức Dũng kể, sau giải phóng, nhiều loại dược liệu đã được đưa ra miền Bắc trồng, nền đông y nước nhà tự chủ được khoảng 1/3 nguồn dược liệu. Thấy chúng ta đang phát triển nguồn dược liệu tự chủ tốt, các thương lái Trung Quốc đã bán phá giá, sau đó nguồn dược liệu nước ta bị thu hẹp, tiến tới lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế, năm 2014, báo cáo của 10/20 doanh nghiệp được cấp đơn hàng nhập khẩu cho thấy số lượng dược liệu được nhập khoảng 20 ngàn tấn trên tổng số được phê duyệt 195 ngàn tấn, trong đó có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc.

Điều đáng nói, một số loại dược liệu có thể phát triển ở Việt Nam như Ba kích, Bồ công anh, Huyền sâm, Nhân trần, Tỳ bà diệp, Thảo quyết minh... cũng được nhập khẩu với khối lượng lớn. Trong thực tế, số lượng nguồn dược liệu nhập khẩu lớn hơn nhiều. Bởi lẽ, số liệu khoảng 20 ngàn tấn chỉ là báo cáo của các doanh nghiệp theo đường chính ngạch, còn nhập khẩu theo đường tiểu ngạch mới chiếm số lượng lớn, chủ yếu.

Trong khi đó, tình hình khai thác nguồn dược liệu tự nhiên trong nước thì thiếu kiểm soát, hoàn toàn tự phát. Nhiều loại có tên trong sách Đỏ cũng bị khai thác cạn kiệt bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đa số người thu mua dược liệu là tư nhân việc bán cho các Cty, Xí nghiệp làm thuốc chỉ chiếm 11,5%, bán cho bệnh viện 4,2%, phòng khám 4,6%.

BS Trần Văn Ánh cho biết, do cơ chế đấu thầu thuốc nên các đơn vị thu mua không thể bán trực tiếp cho các bệnh viện. Chẳng hạn bệnh viện muốn mua của người dân vài chục kg dược liệu hoặc một vài tạ dược liệu, nhưng đòi hỏi họ phải có hóa đơn thì rất khó. Do quy chế buộc bệnh viện phải nhập thuốc qua đấu thầu tại sở Y tế, từ cung cấp của các Cty dược. Đó cũng là lý do nguồn nam dược vào bệnh viện không nhiều, dẫn đến các bệnh viện cũng phải nhập dược liệu từ nước ngoài.

Hải Quỳnh