Hồn nhiên "đồng dao trên núi"
Riêng thể loại thơ, những người cầm bút hôm nay đã kế tục các thế hệ nhà thơ tên tuổi đi trước viết cho thiếu nhi ngày càng lớn dần về số lượng, ít nhiều cũng đạt được dấu ấn và thành tựu bước đầu, điển hình như các nhà thơ Phạm Xuân Anh, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Hồng Thiện, Trương Thiếu Huyền, Nguyễn Ngọc Phú, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Minh Nguyên, Lê Thị Điểm, Nguyễn Ngọc Hưng,…
Để có những bài thơ thật sự cuốn hút độc giả nhỏ tuổi quả là không dễ dàng, nhà thơ phải đắm mình trong thế giới tâm hồn của các em, nhìn bằng cái nhìn của con mắt ngây thơ, nghĩ bằng cách nghĩ ngộ nghĩnh, hồn nhiên, tạo sự rung cảm trong trẻo, lấp lánh, tươi vui vốn có… mà đồng điệu, mà hòa nhập, mà sẻ chia, v.v… "Đồng dao trên núi" là tập thơ thiếu nhi đầu tiên của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã mang những yếu tố chủ chốt đó, là sự chọn lọc trong rất nhiều bài thơ mà chị ấp ủ để viết cho các em từ mấy chục năm qua. "Đồng dao trên núi", NXB Phụ nữ vừa ấn hành vào tháng 4 vừa qua, lập tức thu hút các bạn nhỏ và gây chú ý đến những người từng chuyên tâm văn học thiếu nhi nước nhà hiện nay.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hiện sinh sống và sáng tác tại Hà Nội. Là một nhà thơ nữ có lực viết bền bỉ và đều đặn cho ra đời nhiều đầu sách, với nhiều đề tài, thể loại có giá trị. Tính đến nay, chị đã có 12 tập thơ, 2 trường ca, 4 tập ký và tản văn. Các tác phẩm ấy đã được bạn đọc cả nước yêu thích và đón nhận.
Tập thơ thiếu nhi "Đồng dao trên núi" gồm 82 bài, chiếm một phần tư trong số đó là các bài thơ viết về đề tài miền núi, nơi nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo sinh ra tại Lào Cai và gắn bó sâu nặng. Chắc có lẽ chính vì sự ưu tiên đó nên tập thơ được tác giả đặt tên "Đồng dao trên núi". Xen kẽ trong ấn phẩm này là các bài thơ đẫm đầy hương vị núi rừng và bản sắc, như: Bếp lửa nhà sàn, Bản em, Trường em, Mẹ nướng ngô, Nhóm lửa, Hoa đung đưa lù cở, Xuân về trên bản em, Kể chuyện cô giáo bản em, Núi hoa, Lễ hội xuống đồng, Gọi mưa, Em tập hát then,…
Núi rừng trong tập thơ này là một bức tranh nghệ thuật sống động, nhưng ở đó cũng rất đỗi thân thiết với các em, có những niềm reo vui, tràn ngập yêu thương và khơi dậy những nét tinh khôi của muôn loài, muôn vật… khi hòa mình vào những sắc màu, âm thanh kỳ diệu: "Cái mặt trời lấp ló/ Nắng rọi trên tóc sương/ Gùi hoa vàng rực rỡ/ Nhấp nhô Xuân trên đường// Mùa chở em tới trường/ Hoa cài trên ngực núi" (Hoa đung dưa lù cở), hay: "Điệu hát then vui quá/ Cô giáo hát thật hay/ Bướm đùa trên khóm lá/ Mùa xuân vui từng ngày//…Then là tiếng của trời/ Âm vang từ mặt đất/… (Em tập hát then). Không gian nghệ thuật trong "Đồng dao trên núi" là không gian thật gần gũi, thân mật, môi trường trong thơ biểu hiện cũng hết sức tự nhiên, không bị gò ép, không cứng nhắc, luôn gắn bó hài hòa với cuộc sống con người, không bị lạ hóa, ảo hóa… nhưng không kém phần lung linh, sinh động đáng yêu, như ở loạt bài: Chào mùa xuân, Dế mèn tự hát, Nghệ sĩ gà trống, Giọt sương tinh khôi, Quả mùa thu, Ông trăng tròn, Lời chào chồi non… Cùng nhẩm những câu này để thấy vạn vật đang nhộn nhịp vận hành trong đôi mắt trẻ thơ: "Trăng chơi cầu trượt/ Lướt trên lá cây// Sương đêm bật khóc? Lộp bộp…, ô hay!/ Vườn đêm xào xạc/ Lá hát ngân nga// Dế kéo đàn nhị/ Là lá là la…" (Vườn trăng), này nữa: "Trên dòng sông Ngân/ Ai đang tát nước?/ Đâu ông Thần Nông/ Ngồi giữa cánh đồng?// Nhấp nháy tầng không/ Ngàn con mắt biếc/ (Bà dạy đếm sao).
Nhà phê bình văn học Trần Thị Trâm đã đưa ra nhận xét: "Thế giới nghệ thuật trong tập thơ thiếu nhi "Đồng dao trên núi" là thế giới huyền dịu, thế giới của tuổi thơ trong sáng thần tiên thật đẹp"…
Phạm Thị Phương Thảo đã kết hợp nhiều yếu tố của vần điệu và nhạc điệu rất linh hoạt. Phần nhiều trong tập thơ "Đồng dao trên núi" chị đã chọn thể thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, diễn đạt nhịp và vần theo kiểu đồng dao ngắn gọn, chắc khỏe nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ với trẻ em: "Ông trăng tròn/ Soi đêm sáng!/ Yêu trẻ con/ Ông hiền lắm!// Ông trăng tròn/ Đi theo bé!/ Những ai ngoan/ Ông làm bạn!" (Ông trăng tròn), hay: "Mùa xuân đang về/ Cây vườn trẩy hội// Con cún dẫn lối/ Đi vào đi ra// Hoa đào nở hoa/ Nở hồng trên má"… (Cây vườn trẩy hội)
Các yếu tố truyện trong thơ "Đồng dao trên núi" rất ngắn gọn, nhưng là bài học thật nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng, phù hợp với tâm hồn, cảm xúc của trẻ. Tác giả cũng hết sức chú tâm đến việc tạo phong phú cho hình ảnh để mỗi bài thơ như những thước phim hoạt hình sinh động cuốn hút các em: "Giọt sương trong suốt/ Ngủ trên lá xanh/ Ban mai dịu ngọt/ Nắng chiếu trên cành" (Giọt sương tinh khôi). Và: "Sẻ nâu bé xíu/ Chíp chíp vào ra/ Trốn trong bụi chuối/ Nhảy ra cành na// Sẻ ham chơi xa/ Vui, quên về nhà/ Tối về nhớ mẹ/ Chíp chíp, kêu la" (Chim sẻ nâu)…
Với tấm lòng yêu thương con trẻ, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo để nhịp tim thi sĩ của mình luôn hòa cùng rung động, cùng ngộ nghĩnh, tươi vui, cùng ước mơ và cùng bao điều thánh thiện trẻ thơ. Bằng sự trải nghiệm và không ngừng quan sát, chị đã nhặt nhạnh, gom góp những gì xung quanh gần gũi các em để cất cao giai điệu của đôi cánh thiên thần "Đồng dao trên núi", giai điệu ấy thật hồn nhiên, trong trẻo…
ĐỖ THƯỢNG THẾ