Hơn nửa thế kỷ chờ tin con
Hơn nửa thế kỷ đằng đẵng chờ đợi tin tức về 2 người con trai hy sinh tại chiến trường miền Nam, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tân (xã Tân Sơn, H. Đô Lương, Nghệ An) như hóa đá.
Di ảnh hai liệt sĩ Nguyễn Tất Văn và Nguyễn Tất Tân. |
Mòn mỏi đợi chờ
Năm nay, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tân vừa tròn 110 tuổi. Tuổi cao, tai lảng, mắt đã kèm nhèm nhưng khi nhắc đến những người con hy sinh, mắt mẹ sáng rực. “Tuổi đã cao, sức đã yếu, lại trải qua hai lần bị gãy chân nên mẹ không thể đi lại mà phải ngồi một chỗ. Lúc tỉnh táo, mẹ nhắc tên các con, rồi nhắc lâu nay không thấy đứa nào về, còn khi mê mẹ lại nói những câu không đầu, không cuối”, ông Nguyễn Tất Chương (1954), con trai út của cụ Tân nói về sức khỏe của mẹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 3 trong 4 người con của mẹ Tân gồm anh Nguyễn Tất Tân (1942), Nguyễn Tất Tiến (1946), Nguyễn Tất Văn (1951) lần lượt lên đường nhập ngũ. Trong đó Tân nhập ngũ năm 1967. Một năm sau, Tiến, Văn cũng lên đường, chỉ duy nhất anh Chương ở lại quê nhà với bố mẹ. Cả gia đình mẹ Tân vừa tham gia sản xuất, phục vụ kháng chiến vừa chờ đợi tin tức về các con. Cuối năm 1969, gia đình liên tiếp nhận được giấy báo tử gửi về thông báo hai con trai là anh Tân và anh Văn đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Trong giấy báo tử ghi cả hai liệt sĩ đều “hy sinh ở mặt trận phía Nam” và địa điểm chôn cất là “nghĩa trang mặt trận”. Do thông tin không đầy đủ nên việc xác định cụ thể ở tỉnh nào để tìm kiếm phần mộ trở nên khó khăn. “Ngày ấy, chỉ trong vòng 2 ngày liên tiếp, khi tin dữ của các anh dồn dập về, mẹ tôi như chết lặng, đau khổ đến tột cùng. Hồi đó, tôi thỉnh thoảng khi đi học về lại có người chạy về báo mẹ bị ngất ở ngoài đồng nên lo chạy ra cõng về. Phải mất một thời gian dài, mẹ tôi mới nguôi ngoai”, ông Chương kể.
Hơn nửa thế kỷ chờ đợi, mẹ VNAH Nguyễn Thị Tân đón hài cốt của con trai trở về. |
Hòa bình lập lại, anh Nguyễn Tấn Tiến xuất ngũ trở về và quay lại làm công nhân. Sau đó, do di chứng chiến tranh để lại và mắc bạo bệnh nên anh Tiến qua đời. Bốn anh em trai nhưng giờ chỉ còn lại ông Chương, vừa chăm sóc mẹ, nuôi các con ăn học, vừa thờ cúng và đi tìm hài cốt các anh trai.
“Một thời gian sau khi nhận tin anh Nguyễn Tất Văn hy sinh, tiểu đội trưởng của đơn vị anh đã tìm về, gửi lại chiếc balo kèm tấm tăng (vải dù che võng) thủng lỗ chỗ vết đạn. Theo thông tin từ người này cung cấp, trong lúc thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tiểu đội gặp phục kích, anh Văn hy sinh, được chôn cất tại Quảng Trị. Còn anh Tân thì chẳng có thông tin gì, ngoài tên đơn vị là P2M, hy sinh ở mặt trận phía Nam, có người trong làng đi bộ đội từng gặp trong Tây Ninh”, ông Chương nhớ lại.
Năm 1978, làng quê xã Tân Sơn, H. Đô Lương bị trận lũ lịch sử hoành hành, nhà nhà chìm trong biển nước. Nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng của gia đình mẹ Tân cũng bị cuốn trôi. Hơn nửa thế kỷ qua, cứ nghe thông tin nào về các anh là ông Nguyễn Tất Chương và con cháu lại lên đường tìm kiếm.
Ông Nguyễn Tất Chương - người con trai duy nhất còn sống phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Tân. |
Thằng Tân về rồi, còn thằng Văn đâu?
Tháng 9-2019, chị Nguyễn Thị Như Xuân (1989, con gái ông Chương) tình cờ nhìn thấy hình ảnh bia mô liệt sĩ Nguyễn Nhật Tân trên một trang facebook. Theo thông tin trên tấm bia trích lục có ghi quê quán tại xã Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Chị Xuân đã liên lạc với admin của trang facebook này để tìm hiểu. Tất cả thông tin liên quan đến quê quán, gia đình đều trùng khớp, chỉ duy nhất tên lót Nguyễn Nhật Tân là không đúng. Theo thông tin từ gia đình thì liệt sĩ Nguyễn Tất Tân trước khi nhập ngũ đã đi làm công nhân ở Quảng Ninh, anh thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của bố, hát hay nên tham gia vào đoàn văn công và tham gia đóng phim Vùng mỏ. Cũng vì có máu nghệ sĩ, nên anh thích cái tên Nhật Tân và tự đổi tên lót cho mình đem vào chiến trường rồi hy sinh. Tấm ảnh duy nhất còn lại là bức vẽ truyền thần anh Tân cưỡi trên lưng ngựa, trẻ trung phơi phới. Sau khi về quê xác minh lý lịch và hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Tất Tân ở địa phương gửi vào Nghĩa trang Liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh) để đối chiếu thì xác định đó chính là mộ liệt sĩ Nguyễn Tất Tân. “Ngày nhận được tin, cả nhà ôm nhau khóc, vừa mừng vừa tủi. Chúng tôi lập tức bắt xe vào Tây Ninh, tìm đến nơi anh nằm, xin đặt lại bia về đúng tên thật, rồi hứa sẽ đưa anh về sớm nhất”, ông Chương cho hay.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10-2020, gia đình ông Nguyễn Tất Chương quyết định cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tất Tân về quê nhà. Ngày đoàn tụ, bà con trong làng, anh em xa gần, đến chật nhà. Khi chiếc xe dừng ở đầu ngõ, người cháu đích tôn ôm hài cốt, trao cho mẹ Nguyễn Thị Tân. Ngồi trên giường, người mẹ ấy run run giơ tay đỡ lấy hài cốt con trai được bọc trong lá cờ Tổ quốc rồi òa khóc như một đứa trẻ: “Thằng Tân về đây rồi, còn thằng Văn ở đâu, tìm về cho mẹ đi”. Lời khẩn cầu trong nước mắt của người mẹ Việt Nam anh hùng ấy như cứa vào lòng những người chứng kiến...
DƯƠNG HÓA