Hồng Kông bàn về cải cách bầu cử

Thứ năm, 18/06/2015 07:57

(Cadn.com.vn) - Cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động cao khi hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa nhà chính quyền, nơi các nhà lập pháp Hồng Kông bắt đầu tranh luận về các đề xuất cải cách bầu cử do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Ngày 17-6, Cơ quan lập pháp Hồng Kông (Trung Quốc), bắt đầu phiên tranh luận về một đề nghị cải cách bầu cử, qua đó sẽ xác định tương lai của đặc khu này nhưng có thể làm bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn như năm 2014.

Theo thăm dò mới nhất của 3 trường đại học Hồng Kông, 47% số người được hỏi ủng hộ các đề nghị cải cách, theo đó sẽ bầu trực tiếp lãnh đạo kế tiếp của Hồng Kông vào năm 2017, từ danh sách được chính quyền Trung Quốc phê duyệt. Trong khi đó, 38% phản đối gói cải cách này vì cho rằng, Hồng Kông đang bị chính quyền đại lục chi phối quá nhiều. 15% còn lại chưa có quyết định.

Các nhà lập pháp Hồng Kông tại phiên tranh luận về gói cải cách bầu cử hôm 17-6.  Ảnh: AP

An ninh được thắt chặt

Căng thẳng đang gia tăng ở Hồng Kông, đặc biệt là sau khi 10 người bị bắt giữ hôm 16-6 vì nghi ngờ sở hữu các chất nổ. 6 trong số họ ra tòa hôm 17-6 với cáo buộc âm mưu gây ra một vụ nổ. Trong số này, một phụ nữ 29 tuổi được phép tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 20.000 đô la Hồng Kông (2.580 USD). 5 người đàn ông khác bị tạm giam.

An ninh được tăng cường tuyệt đối khi hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa nhà chính quyền, phản đối thông qua gói cải cách bầu cử. Hội đồng Lập pháp ban hành “cảnh báo màu hổ phách” trước cuộc bỏ phiếu quan trọng về gói cải cách này, dự kiến diễn ra vào ngày mai (19-6). Cảnh sát được triển khai dày đặc quanh tòa nhà chính quyền. Hơn 5.000 nhân viên an ninh được đào tạo đặc biệt đang “ở chế độ chờ”, trong khi một số con đường dẫn đến tòa nhà chính phủ bị đóng cửa. Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết, khoảng 100.000 người biểu tình có thể sẽ xuống đường vào cuối tuần này để phản đối việc thông qua gói cải cách. Những người phản đối kế hoạch này nói rằng, họ muốn có cuộc bỏ phiếu thực sự dân chủ cho lãnh đạo kế tiếp của Hồng Kông.

“Tôi là một nhà lập pháp trong 11 năm qua, với mục đích để đấu tranh cho quyền bầu cử phổ quát. Hôm nay, tôi sẽ bỏ phiếu chống đề xuất cải cách chính trị chưa đầy đủ và chưa thỏa đáng này”, nhà lập pháp Ronny Tong nói.

Căng thẳng gia tăng

Tờ People’s Daily – Cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong bài bình luận trên trang nhất rằng, gói cải cách bầu cử này cơ bản đảm bảo về sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho Hồng Kông. “Nhìn quanh thế giới, một số nước và vùng lãnh thổ, hệ thống bầu cử không phù hợp với tình hình thực tế, gây hỗn loạn xã hội, kinh tế khó khăn”, tờ báo viết.

Bắc Kinh đang nỗ lực vận động 27 nhà lập pháp đòi dân chủ thật sự cho Hồng Kông, nhất trí với kế hoạch cải cách chi tiết này. Cho đến nay, những nhà lập pháp này, hiện nắm giữ 1/3 khối phủ quyết quan trọng trong 70 ghế tại Hội đồng Lập pháp, thề sẽ chống lại những gì họ gọi là một “mô hình dân chủ giả mạo”. Ủy ban Độc lập chống tham nhũng của Hồng Kông cũng cho biết đang điều tra cáo buộc của một nhà lập pháp không xác định, rằng, ông được cho tiền để bỏ phiếu thông qua gói cải cách này. Nếu gói cải cách lần này bị phủ quyết, lãnh đạo kế tiếp của Hồng Kông sẽ vẫn được lựa chọn như trước bởi một ủy ban 1.200 thành viên.

Hồng Kông trở về Trung Quốc vào năm 1997 theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, cung cấp cho đặc khu này một hệ thống quy phạm pháp luật riêng biệt cùng lời hứa phổ thông đầu phiếu. Năm 2014, vùng đất từng là thuộc địa của Anh này khốn đốn đối phó với các cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày làm tê liệt trung tâm tài chính Châu Á và đặt ra thách thức chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ cho chính quyền trung ương Trung Quốc.

Khả Anh