Họp báo công bố kết luận vụ án ông Trần Minh Lợi
(Cadn.com.vn) - Ngày 29-9, CA tỉnh Đắc Nông tổ chức họp báo công bố kết luận điều tra, gửi hồ sơ qua VKSND tỉnh Đắc Nông đề nghị truy tố 8 đối tượng liên quan đến vụ ông Trần Minh Lợi (1968, trú H. Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc) “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn”. Cơ quan CSĐT cho rằng, Lợi thực hiện được những việc làm vi phạm pháp luật là do hoạt động tư pháp của cán bộ CA có tiêu cực.
Buổi họp báo công bố kết luận vụ ông Trần Minh Lợi. |
Xúi giục đưa hối lộ để thu thập chứng cứ
CQĐT đề nghị truy tố Lãnh Thanh Bình (1985, nguyên cán bộ Đội CSHS CAH Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Các đối tượng: Trần Minh Lợi, Nguyễn Xuân An (1985), Trương Thị Lan (1971), Huỳnh Kim Cao Trí (1978), Huỳnh Thị Cao Thương (1979), Nguyễn Thị Tý (1960, cùng trú H. Đắc Mil) bị đề nghị truy tố về hành vi “Đưa hối lộ”. Riêng Nguyễn Văn Phúc (1975, trú P. Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đắc Lắc) bị đề nghị truy tố hành vi “Nhận hối lộ”.
Theo nội dung kết luận, ngày 15-1, CAH Đắc Mil bắt 6 người đang đánh bài ăn tiền tại xã Thuận An (H. Đắc Mil). Tham gia việc bắt đánh bạc có Lãnh Thanh Bình. Tuy nhiên, sau khi đưa các đối tượng đánh bạc về trụ sở CA, Bình không tham gia các hoạt động tố tụng tiếp theo. Ngày 21-1, người thân của các con bạc có ý định góp tiền để xin cho các con bạc được tại ngoại. Sau khi trao đổi, Thương và Trí gọi điện cho Bình để hỏi việc xin tại ngoại cho người nhà vừa tham gia vụ đánh bạc. Lúc này, Bình hướng dẫn cho 2 đối tượng làm đơn, có người bảo lãnh, có xác nhận của chính quyền địa phương và nộp cho điều tra viên. Toàn bộ sự việc được người nhà các con bạc kể lại cho Lợi để được “giúp đỡ”. Sau khi nghe kể, Lợi nói người nhà các con bạc phải đưa tiền để quay phim, chụp hình. Theo đó, Lợi hướng dẫn cho An cách ghi âm và quay phim trong lúc giao tiền.
Đồng thời, An gặp Lan trao đổi và thúc giục Lan đi vay 20 triệu đồng để xin tại ngoại cho người nhà. Nghe vậy, Lan đã đi mượn 20 triệu đồng đưa cho An. Cũng trong ngày 21-1, Trí, An và bà Tý hẹn gặp tại quán cà-phê để đưa tổng cộng 60 triệu đồng cho Bình. Trong lúc giao tiền, An sử dụng điện thoại Samsung và Viettel để trong túi áo quay phim và ghi âm toàn bộ sự việc theo hướng dẫn của Lợi.
Đại tá Lương Ngọc Lếp phát biểu tại buổi họp báo. |
Lợi khống chế, uy hiếp người làm nhiệm vụ
Sau khi nhận được số tiền này, Bình hứa sẽ cố gắng để những người trong vụ đánh bạc được tại ngoại. Đến trưa 22-1, Lợi gặp và yêu cầu An đưa các thư mục ghi âm, quay phim cho mình. Trên cơ sở này, chiều 25-1, Lợi gọi điện và nói Bình nhận tiền hối lộ chạy tại ngoại, yêu cầu ra quán cà-phê để nói chuyện. Tại đây, Lợi cho Bình xem lại video do An quay, đồng thời tìm mọi cách khai thác xem ai chỉ đạo Bình lấy tiền và tiền đã đưa cho ai?
Trưa 26-1, Bình hẹn gặp và xin Lợi bỏ qua sai phạm của mình. Tuy nhiên, Lợi không đồng ý và yêu cầu Bình trả lại 60 triệu đồng đã nhận của An, Trí, bà Tý. Chiều cùng ngày, Bình gọi điện cho An, Trí và bà Tý lên CAH Đắc Mil. Tại đây, Bình giải thích không thể giúp được mọi người xin tại ngoại nên trả lại 60 triệu đồng. Sau đó, Lợi gọi điện cho Bình với nội dung đe dọa tố cáo và hối thúc việc tác động thả tại ngoại cho những người trong vụ đánh bạc.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 23-2, Lợi đăng video Bình nhận tiền lên trang facebook của mình và thúc giục An gửi đơn cho Lợi để gửi ra VKSND Tối cao. Trước tình hình này, ngày 24-2, Bình làm bản tường trình báo cáo sự việc nhận số tiền 60 triệu đồng của An, Trí và bà Tý vào ngày 21-1 gửi lãnh đạo CAH Đắc Mil. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, CAH Đắc Mil đã báo cáo cho CA tỉnh Đắc Nông vào cuộc điều tra, làm rõ.
Trong quá trình điều tra, Bình khai, từ ngày 26-1 đến 1-2, Lợi còn ép buộc Bình phải đưa cho mình tổng cộng 220 triệu đồng để không tố cáo hành vi sai phạm nhận tiền hối lộ chạy tại ngoại. Sợ bị bại lộ, Bình đã thực hiện theo tất cả những yêu cầu của Lợi. Sau đó, Lợi tiếp tục yêu cầu Bình đưa cho mình đủ số tiền 500 triệu đồng thì sẽ bỏ qua, không tố cáo nữa. Lúc này, Bình không đồng ý và không đưa thêm tiền cho Lợi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, CQĐT CA tỉnh Đắc Nông xác định không đủ căn cứ để kết luận Lợi có hành vi cưỡng đoạt tài sản như lời khai của Bình.
Không chỉ liên quan đến vụ án nói trên, trước đó, tháng 4-2014, Lợi liên hệ với Nguyễn Văn Phúc để thế chấp vay vốn ngân hàng. Do muốn vay 1,8 tỷ đồng, Lợi đã thỏa thuận thống nhất đưa cho Phúc 150 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xác minh, không có tài liệu về việc Phúc thống nhất nhận số tiền này. Ngày 23-4, Lợi đưa cho Phúc 30 triệu đồng và Nguyễn Đức Trọng - Tổ trưởng Tổ Tín dụng Phòng giao dịch Đại Lộc 20 triệu đồng. Với hành vi này, Lợi đã có hành vi “Đưa hối lộ”. Đối với việc Lợi đưa cho Trọng 20 triệu đồng không đủ căn cứ để truy tố.
Bên cạnh đó, lời khai của Phúc và Trọng tại CQĐT cho biết, sau khi được cho vay tiền, Lợi đe dọa, uy hiếp tố cáo, gây sức ép buộc Phúc cùng cấp dưới phải đưa cho Lợi 200 triệu đồng. Thế nhưng, với các chứng cứ, tài liệu thu thập, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Nông không đủ căn cứ để kết luận Lợi cưỡng đoạt tài sản của Phúc và Trọng.
Tại buổi họp báo, Đại tá Lương Ngọc Lếp - Phó Giám đốc CA tỉnh Đắc Nông cho biết: “Liên quan đến việc đưa tiền hối lộ trong vụ đánh bạc tại H. Đắc Mil, Lợi có vai trò chủ mưu. Nếu Lợi chỉ thu thập tài liệu để cung cấp ngay cho cơ quan CA hoặc đưa lên báo chí thì không phạm tội. Hoặc có hành vi tố cáo ngay thì đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ đối với Lợi. Mặt khác, nếu không có động cơ vụ lợi trong các vụ việc thì việc làm của Lợi là rất tốt trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, Lợi đã xúi giục người thân của những người đánh bạc, tổ chức đưa tiền cho người khác để thu thập bằng chứng. Nghiêm trọng hơn, sau khi để một thời gian dài, Lợi gọi Bình lên để khống chế, uy hiếp. Qua đó cho thấy bản chất lưu manh của Lợi thể hiện rất rõ trong vụ án này. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT phát hiện Lợi có liên quan đến nhiều vụ việc ở các tỉnh khác nhưng không có đủ căn cứ để kết luận có hành vi phạm tội. Hiện đã có 5 luật sư xin được bào chữa cho Lợi”.
“Có thể nói, Lợi làm được những việc nói trên là do hoạt động tư pháp của cán bộ CA có tiêu cực. Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý cán bộ điều tra để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các sai phạm và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm pháp luật. Việc chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ranh giới giữa việc thu thập chứng cứ và phạm tội rất mong manh. Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì công dân cần gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời” - Đại tá Lương Ngọc Lếp thông tin thêm.
Thơ Trịnh