Hợp tác xã có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Ngày 26-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích phát triển, trong đó đặc biệt là kinh tế hợp tác xã, coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương liên tục, xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước, từ đó có nhiều chủ chương, chính sách để phát triển bền vững kinh tế tập thể, trong đó có kinh tế hợp tác xã.
Theo Phó Thủ tướng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải là ngôi nhà chung, vừa đại diện, vừa bảo vệ quyền lợi cho người dân, thành viên tham gia. Liên minh vừa là cầu nối để truyền tải chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân để Đảng, Nhà nước có quyết sách phù hợp với thực tiễn. Phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, qua đó đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Nhiều hợp tác xã đã làm được nhiều chức năng từ cung ứng dịch vụ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
"Trước kia, mô hình hợp tác xã còn rất hình thức, nhưng hiện nay hợp tác xã đã làm rất nhiều khâu, từ tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và đến tìm thị trường xuất khẩu... Điều đó cho thấy hiệu quả của các hợp tác xã, từ đó các thành viên gắn bó, tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu" - Phó Thủ tướng ghi nhận.
Theo số liệu tổng hợp, đến tháng 6 năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi,... cả nước tăng 2.000 hợp tác xã so với cùng kỳ, thành lập mới 752 hợp tác xã, 10 Liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác.
XUÂN TÙNG