Hứng không kích, Ukraine phải ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện
Tấn công tên lửa quy mô lớn
Quân đội Ukraine cho biết, Nga đã phóng 70 quả tên lửa trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Kiev trong ngày 23-11. Các quả tên lửa được phóng từ 2 tàu nhỏ mang tên lửa và máy bay ở Biển Đen, từ máy bay Tu-95MS ở Volgodonsk ở miền Nam nước Nga và từ Biển Caspian. Theo đó, 10 chiếc máy bay Tu-95MS đã phóng tên lửa từ quận Volgodonsk thuộc tỉnh Rostov (Nga) và từ biển Caspian, cũng như từ hai tàu chở tên lửa cỡ nhỏ ở Biển Đen vào Ukraine.
Phía Ukraine đã đánh chặn 51 trong số 70 quả tên lửa cùng 5 cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái. Nhiều khu vực của Ukraine đã bị mất điện sau đợt tập kích tên lửa mới nhất nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskyi xác nhận, 10 người thiệt mạng vì các cuộc tấn công hôm 23-11 của Nga. Quan chức này nói thêm: "Trong khoảng thời gian từ ngày 10-10 tới 23-11, Nga đã tiến hành gần 600 cuộc tấn công tên lửa trên lãnh thổ Ukraine".
Ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện
CNN dẫn tin từ Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, cuộc tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hôm 23-11 đã ảnh hưởng tới hầu hết các nhà máy điện buộc chúng phải dừng hoạt động. Toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân cũng như hầu hết các nhà máy nhiệt điện và thủy điện phải hoạt động trong trạng thái khẩn cấp, không cung cấp điện cho mạng lưới điện quốc gia. Các cơ sở truyền tải điện cũng bị hư hại. Kết quả là, phần lớn người dân trên toàn Ukraine phải chịu cảnh tối tăm. Việc thiếu điện có thể ảnh hưởng tới khả năng cung cấp nhiệt và nước.
Toàn bộ Vùng Odessa hiện đang không có điện. Tại thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkov, hệ thống tàu điện ngầm đã bị tê liệt do mất điện, người dân được sơ tán lên mặt đất. Truyền thông Ukraine đưa tin các thành phố Kiev, Kharkov, Khmelnitsky, Nikolaev, Lviv và Zaporizhzhia đã bị mất điện cục bộ. Thị trưởng thành phố Lviv, ông Andriy Sadovyy sau đó thông báo rằng thành phố đã mất điện hoàn toàn. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Odessam, tỉnh Kiev.
Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, các kỹ sư đang nỗ lực khôi phục việc cấp điện càng sớm càng tốt, song do thiệt hại lớn nên việc này sẽ mất thời gian.
Nga nêu lý do
Phát biểu tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 23-11 sau sự cố sập lưới điện ở Ukraine và Moldova, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng các cuộc tập kích tên lửa của Nga nhằm làm gián đoạn việc phương Tây cung cấp vũ khí và tiếp tế cho quân đội Ukraine. "Thông qua những việc này, NATO đang tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga", ông Nebenzia cáo buộc.
Theo Đại sứ Nga, Moscow không nhắm mục tiêu vào các khu dân cư và "thiệt hại đáng tiếc" đối với khu dân cư thường do lực lượng phòng không Ukraine được triển khai tại những khu vực đông dân. Ông Nebenzia nói với các đại sứ phương Tây tại Hội đồng Bảo an rằng "dòng chảy vũ khí liều lĩnh của các ngài đến Ukraine đã gây ra những cái chết này". Theo đại sứ Nga, một trong những mục tiêu của Moscow là giảm mối đe dọa mà quân đội Ukraine gây ra cho Nga và mục tiêu này sẽ được theo đuổi cho đến khi Kiev chấp nhận lập trường hợp lý hơn, thay vì "ngôn ngữ đe dọa và tối hậu thư liều lĩnh như hiện tại".
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video, cáo buộc Nga là "nhà nước khủng bố". Ông Nebenzia phản đối việc hội đồng để ông Zelensky phát biểu, cho rằng điều này vi phạm giao thức của Hội đồng Bảo an về sự hiện diện cá nhân. Phát biểu sau Tổng thống Ukraine, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin "vũ khí hóa mùa đông" và cố "buộc Ukraine phải khuất phục". Bà Thomas-Greenfield khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine "đến chừng nào còn cần thiết", khi Kiev chiến đấu để "bảo vệ tự do, chủ quyền và nền dân chủ".
AN BÌNH
EU tuyên bố tìm được nguồn thay thế hoàn toàn khí đốt Nga Ngày 23-11, Ủy viên phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) Kadri Simson tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đã tìm được nguồn cung khác thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga. Phát biểu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu, bà Simson cho biết, EU đã thay thế hoàn toàn nguồn khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các loại khí đốt khác từ các nhà cung cấp đáng tin cậy khác. Theo hãng tin RT, để thay thế khí đốt Nga, châu Âu đã tăng nhập LNG từ Mỹ. Theo EC, từ tháng 1-2022 đến tháng 8-2022, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga bao gồm cả LNG đã giảm 39 tỉ m3. Trong khi đó, cũng trong cùng khoảng thời gian trên, lượng LNG từ nguồn cung Mỹ tăng 80%. Năm ngoái, Moscow đã cung cấp 155 tỷ m3 cho EU, đáp ứng khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối này. Lượng nhập khẩu năm nay dự kiến sẽ giảm xuống còn hơn 1/3 so với năm 2021, khoảng 60 tỷ m3. Trong khi đó, các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo rằng, thay thế hoàn toàn khí đốt Nga bằng LNG nhập khẩu sẽ làm gia tăng chi phí năng lượng của EU. |