Hướng đến đô thị thông minh
Thừa Thiên Huế đang hướng đến xây dựng đô thị thông minh. |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Trung tâm hiện là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đến thị sát tại Trung tâm và đánh giá đây là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình giám sát điều hành đô thị thông minh mang lại hiệu quả thiết thực trong việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, như nội dung yêu cầu của Chính phủ điện tử đã đặt ra.Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
Thực tế, mô hình này đã làm đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên - Huế, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được đánh giá là cần thiết và quan trọng trong Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025". Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, định hướng phát triển của Thừa Thiên - Huế là xây dựng tỉnh trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường" dựa trên những giá trị đặc thù và những lợi thế so sánh trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch. Để chuyển những lợi thế so sánh đó thành năng lực cạnh tranh trong phát triển, Thừa Thiên - Huế đang có những nỗ lực trong việc thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo theo hướng gắn đào tạo với thực hành, gắn trường học, chính quyền với doanh nghiệp; xem thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu để kêu gọi đầu tư, phát triển công nghệ thông tin.
Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ, bước đầu Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Ban tổ chức Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á. Hiện tại, đã có 85 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tuyến của người dân thông qua Trung tâm gồm: 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện, 100% phường thuộc thành phố Huế; cùng một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp quan trọng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hoàn thành thủ tục đầu tư khu công nghệ tập trung và dự án thành phố truyền thông thông minh tại khu đô thị mới An Vân Dương với quy mô trên 42ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cho giai đoạn 2020 - 2030.
Q.V