Hướng đến mục tiêu "Thành phố thân thiện với trẻ em"

Thứ hai, 14/02/2022 17:51

Trong gần 3 năm, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng, nhiều trường học phải đóng cửa, học sinh tham gia các lớp học trực tuyến, sử dụng nhiều đến các thiết bị kết nối mạng, làm tăng nguy cơ tiếp cận với các thông tin, các đối tượng xấu trên mạng xã hội; tiềm ẩn nhiều hiểm nguy tiềm tàng khi không được sự quản lý chặt chẽ của các bậc cha mẹ.

 

Các bậc phụ huynh nên dành thời gian giám sát các trẻ hơn trong việc tiếp xúc với môi trường mạng.

Theo số liệu thống kê năm 2018 của dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng", Đà Nẵng có 233.800 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 60% trẻ tiểu học và 90% trẻ trung học có tài khoản Facebook, gần 900 quán internet và game online trên địa bàn thu hút hàng ngàn trẻ em đến sử dụng mỗi ngày. Đà Nẵng là địa phương duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Tầm nhìn thế giới vận động hỗ trợ triển khai dự án trên tại 3 quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ (gồm 12 trường THCS, THPT và 9 phường). 15.000 trẻ em và thanh thiếu niên tại trường học và cộng đồng được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và bạn bè từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng. 8.000 phụ huynh, người chăm sóc trẻ và giáo viên tại cộng đồng và các trường học được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Cùng với đó, Tổng đài 1022 trở thành nơi tiếp nhận các thông tin, tư vấn và hỗ trợ trẻ em. Khi phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng hoặc xuất hiện nội dung không lành mạnh… người dân phản ảnh đến các cơ quan chức năng, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (bvte@vncert.vn, childonlineprotection.vn) do Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) điều phối mạng lưới hoặc Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111. Trong đó, tổng đài 111 nhận được phản ánh rất tốt từ phía người dân.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng đài 111 đã tiếp nhận 77.920 cuộc gọi đến, trong đó có 7.270 cuộc gọi được lập hồ sơ, 2.476 cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, các mối quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về trẻ em, 280 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột, mua bán và vi phạm quyền trẻ em. Và từ khi đi vào hoạt động (tháng 12-2017) đến hết tháng 3-2021, Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 4,5 triệu cuộc gọi đến, trong đó nổi bật có 227.705 cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, các mối quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về trẻ em và 6.624 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột, mua bán và vi phạm quyền trẻ em.

Thời gian đầu, Tổng đài 111 chủ yếu tiếp nhận các cuộc gọi tư vấn cho trẻ em có những khó khăn về học tập, sức khỏe tâm, sinh lý về ứng xử giữa gia đình, bạn bè, nhà trường, tư vấn về giáo dục con cái…

Mấy năm trở lại đây, số lượng các ca can thiệp tăng nhiều, tính chất các vụ việc tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn. Đặc biệt số ca trẻ bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình và qua môi trường mạng, trẻ có những tổn hại về thể chất, tinh thần gia tăng. Các em bị tổn hại về tâm lý, bị lừa gạt, bị ép buộc, bị xâm hại tình dục mà không dám chia sẻ với gia đình nên đã tìm đến Tổng đài 111. Theo báo cáo mới nhất của Tổng đài 111, vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em trong năm 2021 tăng cao hẳn so với năm 2020, với 625 ca tổng đài phải can thiệp, xử lý. Trong đó, trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất, tới 75%, tăng cao hơn rất nhiều, trong khi bạo lực học đường lại giảm hẳn, do trẻ không thể tới trường. Dự báo thời gian tới, khi trẻ được đi học lại, vấn đề bạo lực học đường có khả năng gia tăng nóng trở lại trở thành vấn đề cần quan tâm để ngăn chặn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết: Đà Nẵng luôn đảm bảo song hành việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển về kinh tế, xã hội với việc chăm sóc an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, hiện tại, Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức khi các dịch vụ xã hội dành cho trẻ còn hạn chế, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng tăng. Ngoài ra, một số trẻ em bị xao nhãng trong chăm sóc, nuôi dạy còn gặp nhiều trở ngại khi các bậc phụ huynh còn phải lo lắng cho việc mưu sinh. Khó khăn càng lớn khi trẻ em tiếp xúc vào thế giới công nghệ số, môi trường mạng mà không được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian đến, Đà Nẵng nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 cùng với đó, hướng sự quan tâm hơn đến trẻ em với việc xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Sở TT-TT đã cho triển khai rộng rãi Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đến các đơn vị, duy trì các hoạt động truyền thông về chủ đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trên các ứng dụng trực tuyến, kênh thông tin…

Sở Giáo dục Đào tạo, Sở LĐ-TB & XH chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho trẻ em, phụ huynh trên địa bàn thành phố, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp trẻ em bị xâm hại. "Trong tương lai gần, mục tiêu phấn đấu của thành phố là xây dựng Đà Nẵng trở thành "Thành phố thân thiện với trẻ em", bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

LAT