Hướng đi nào cho du lịch cộng đồng ở Hòa Vang?

Thứ hai, 22/04/2024 08:30
Nghị quyết 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND TP Đà Nẵng về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (Nghị quyết 82) đã mở cho huyện Hòa Vang một hướng đi mới. Nghị quyết 82 đặt mục tiêu phát triển vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản sẽ làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp tại vùng nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân đô thị và giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông...; tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, còn rất nhiều việc phải làm.

+ Kỳ 1: Nhìn từ Hòa Bắc

Homestay của A Lăng Như đã hoạt động hơn 2 năm qua, nhưng còn thiếu kinh phí để đầu tư tạo khuôn viên, cây cảnh làm nơi vui chơi cho du khách.
Khách nước ngoài tham gia thăm quan, nghiên cứu tại mô hình bảo vệ rừng bền vững của Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái, Du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc.

Nghị quyết 82 là cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong hoạt động quản lý, khai thác nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Nhưng hãy tạm gác vấn đề Nghị quyết 82 để thấy rằng, phát triển du lịch là nhu cầu rất tự nhiên khi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển. Không phải đến khi có Nghị quyết 82, ở Hòa Vang mới có chuyện người nông dân làm du lịch, để nói về chuyện này, chúng tôi xin bắt đầu từ câu chuyện của Bí thư Chi bộ người Cơ Tu-A Lăng Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, Hòa Vang. Năm 2019, khi TP. Đà Nẵng có đề án phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, A Lăng Như là người tiên phong đi đầu tham gia mô hình. Với hơn 1000 m2 đất vườn nhà, A Lăng Như bỏ tiền và vay ngân hàng thêm 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống Homestay làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Cùng với Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng thôn Giàn Bí khôi phục lại các nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu như dệt, đan lát, khôi phục đội múa cồng chiêng, tung tung da dá… thành lập các đội hướng dẫn khách du lịch thăm núi rừng, sông suối…

Mô hình du lịch của A Lăng Như bước đầu đã có kết quả, được UBND TP Đà Nẵng biểu dương khen thưởng. Nhưng đi vào hoạt động chưa bao lâu thì xảy ra đại dịch COVD-19, hơn 2 năm 2020-2021, mọi hoạt động buộc phải dừng lại. Sang năm 2022, mô hình mới đi vào hoạt động, thì lại bị Ban Kinh tế đô thị HĐND thành phố "tuýt còi" vì mô hình đã sử dụng đất nông nhiệp trái mục đích! Đây cũng là vấn đề tình trạng chung ở Hòa Vang. Phải qua những cuộc họp từ thành phố đến huyện, địa phương, mô hình mới tiếp tục hoạt động. Vấn đề đặt ra về các điểm du lịch sinh thái cộng đồng hình thành trên đất nông nghiệp có đúng với tiêu chí, mục đích của Nghị quyết 82 hay không vào thời điểm đó? Đến nay, Homestay của A Lăng Như đã hoạt động đi vào ổn định, mỗi tháng trung bình đón 3 đến 4 đoàn khách du lịch, tạo việc làm, có thu nhập cho khoảng 20 người lao động từ các dịch vụ du lịch như nấu ăn, múa hát cồng chiêng tung tung da dá, tham quan các nghề truyền thống, hướng dẫn du khách thăm núi rừng, sông suối; tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của nông dân quanh vùng như heo, gà, rau, quả… Nhưng A Lăng Như vẫn trăn trở, để phát triển mô hình du lịch hơn phải đầu tư thêm vào khuôn viên, cây cảnh, hệ thống vệ sinh môi trường, nhưng vấn đề kinh phí là rất khó khăn. Thêm nữa, để phục vụ cho mô hình du lịch, cần phải có các trang trại chăn nuôi như heo, gà, trồng trọt rau, quả cho bài bản, đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường, nhưng cái khó đầu tiên vẫn là nguồn vốn, tiếp đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt. Đây là vấn đề mà chính quyền và ngành chức năng cần sớm lưu tâm, nếu muốn mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của đồng bào Cơ Tu ở Hòa Bắc thực sự phát triển. Tại thôn Giàn Bí, thời gian qua tiếp tục hình thành điểm du lịch Homestay của chị A Lăng Thị Hồng, cùng với những kết quả ban đầu đạt được, cũng còn rất nhiều những khó khăn như A Lăng Như đã trao đổi cùng chúng tôi.

Đáng chú ý hơn, xã Hòa Bắc còn có Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái, Du lịch cộng đồng của chị Đỗ Thị Huyền Trâm tại thôn Nam Yên. Chỉ cần nghe ngành nghề của Hợp tác xã, lấy du lịch cộng đồng để phát triển nông nghiệp sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho người lao động, hướng đến giữ rừng bền vững. Có thể nói là "khá lạ" trong cách làm du lịch. Theo chị Trâm, mục đích của Hợp tác xã là, từ du lịch học tập cộng đồng được quan tâm hơn, khách hàng tức người du lịch cũng đạt được mục đích, Hợp tác xã cũng đạt được mục đích, người dân vùng du lịch nâng cao năng lực về giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng bền vững…

Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái, Du lịch cộng đồng của chị Đỗ Thị Huyền Trâm tại thôn Nam Yên không có địa điểm để tổ chức hoạt động, mô hình học tập, nghiên cứu, vui chơi giải trí cho du khách phát triển du lịch.
Homestay của A Lăng Như đã hoạt động hơn 2 năm qua, nhưng còn thiếu kinh phí để đầu tư tạo khuôn viên, cây cảnh làm nơi vui chơi cho du khách.

Trong bài biết này chúng tôi không bàn đến cách làm cụ thể của Hợp tác xã, hiện nay Hợp tác xã có 19 thành viên, theo chị Trâm, có thành viên là Tiến sĩ, nhiều thành viên có bằng cử nhân về du lịch, nông nghiệp, môi trường. Hơn 1 năm thành lập, đã có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, học tập, nghiên cứu tại Hòa Bắc. Hợp tác xã cũng đã có các chương trình với sự liên kết của các trường Đại học tại Mỹ, để nghiên cứu, hình thành các giá trị về du lịch cộng đồng, giúp người dân phát huy các giá trị về văn hóa địa phương. Kết hợp với các trường Đại học tại Đức về vấn đề xử lý nước thải đảm bảo môi trường nguồn nước…Tuy vậy, theo chị Trâm, cái khó khăn nhất của Hợp tác xã hiện nay là không có đất đai để hình thành cơ sở vật chất, hạ tầng nơi làm việc, phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt giải trí của các đoàn du khách và các mô hình học tập, nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng của Hợp tác xã, mọi hoạt động của Hợp tác xã vẫn tổ chức tại nhà riêng của chị Trâm tại thôn Nam Yên. Hợp tác xác đã đề xuất lên UBND huyện, xã Hòa Bắc nhưng chưa được xem xét, giải quyết…

Ông Hồ Phú Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, hiện nay Hòa Bắc có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú. Việc triển khai đề án phát triển du lịch được sự đồng thuận từ chính quyền tới người dân địa phương, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo thành phố, huyện và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, có liên quan trong việc triển khai Đề án thí điểm. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, đối với các mô hình thuộc đất rừng sản xuất, theo nguyên tắc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 82, mô hình thực hiện không được thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng, không làm thay đổi hiện trạng đất, rừng nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lắp dựng công trình phục vụ khai thác du lịch. Nhiều địa điểm có cảnh quan đẹp, được khách quan tâm nhưng thuộc đất do xã quản lí và không được tham gia thực hiện thí điểm do loại đất này không được quy định trong Nghị quyết 82. Quy định về tính pháp lý đất đai, việc xây dựng đề án đảm bảo theo tiêu chí vượt quá điều kiện kinh tế, điều kiện thủ tục đối với người dân đia phương. Đây là vấn đề không nằm trong thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Hồng Thanh (còn nữa)