"Văn hóa, văn minh đô thị"

Hướng đi nào cho Nhà hát Trưng Vương?

Thứ sáu, 30/01/2015 09:39

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng với dân số hơn 1 triệu người nhưng chỉ duy nhất có 2 nhà hát (Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), tỷ lệ nhà hát trên dân số quá ít. Tuy vậy, nhà hát lại thường xuyên trong tình trạng không “sáng đèn” đêm này qua đêm khác, lịch tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm cho các Cty, các đơn vị khác đến thuê biểu diễn nhiều hơn đoàn ca múa nhạc nhà hát.

Trong đó, Nhà hát Trưng Vương có thể xem là bộ mặt của cả ngành văn hóa thành phố. Vậy hướng đi nào để nhà hát Trưng Vương trở thành điểm đến quen thuộc trong đời sống tinh thần cho người dân và du khách, nhất là khi Đà Nẵng đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố văn hóa - văn minh?

Nhiều đêm Nhà hát Trưng Vương tối om... 

“Khát” diễn - “đắt” sự kiện

Tọa lạc trên một vị trí đẹp tại trung tâm thành phố, Nhà hát Trưng Vương với kiến trúc hiện đại, được thiết kế với tiêu chuẩn có thể tổ chức biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như Tuồng, cải lương và nghệ thuật sân khấu hiện đại như: vũ kịch, múa balê, opera, nhạc giao hưởng... cũng như tổ chức các hoạt động lớn như hội thảo, hội nghị, các sự kiện có tính quảng bá rộng lớn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật giải trí góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và du khách... Tuy nhiên, nhà hát thường xuyên trong tình trạng không sáng đèn vào ban đêm, có người còn ví von, nhà hát mà ban ngày hoạt động nhiều hơn ban đêm.

Đây là một thực tế... đáng buồn. Xem lại lịch biểu diễn trên trang web của nhà hát thì mỗi tháng chỉ diễn ra khoảng từ 3 – 8 buổi, trong đó có cả diễn văn nghệ, hài kịch, tổ chức sự kiện của các công ty giới thiệu sản phẩm, các trường học tổ chức khai giảng, phát bằng, bế giảng, hoặc hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội... Hầu hết là chương trình văn nghệ do các đơn vị khác đến thuê để biểu diễn.

Ông Lê Văn V. nhà gần Nhà hát Trưng Vương cho biết, các chương trình ca nhạc, kịch rất thưa thớt, có tháng chỉ có vài đêm diễn văn nghệ, mà đa số tổ chức các sự kiện như giới thiệu sản phẩm, lễ bế giảng, gặp mặt... Hầu hết các chương trình lớn về giải trí đều do những đoàn từ Hà Nội vào hoặc TP Hồ Chí Minh biểu diễn.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thì năm 2014, chỉ có 70 buổi biểu diễn trực tiếp của đoàn ca múa nhạc của Nhà hát (bao gồm các buổi diễn phục vụ khán giả và phục vụ các sự kiện chính trị lễ hội của thành phố) với 53 ngàn lượt xem và 110 buổi do các đơn vị khác thuê biểu diễn (kể cả ngày đêm) thu hút 103 ngàn lượt người xem, còn lại là Nhà hát hợp đồng cho thuê tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm...

Nói về dịch vụ văn hóa, giải trí để phục vụ người dân và du khách tại buổi làm việc với lãnh đạo ngành Văn hóa – Du lịch, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng phàn nàn: các dịch vụ văn hóa để thu hút và giữ khách về ban đêm của Đà Nẵng còn nghèo nàn. Ông Thương đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành văn hóa du lịch rằng: Nhà hát Trưng Vương đã làm được gì để phục vụ người dân và thu hút khách du lịch?

Ông đưa ra dẫn chứng, khi chúng ta đi du lịch ở các nơi khác, có các show diễn tại các nhà hát hấp dẫn vô cùng, ai cũng muốn ở lại một đêm để xem cho bằng được và xem đó là một điểm giải trí mà khách du lịch phải đến để thưởng thức món ăn tinh thần. Trong khi đó, cả Đà Nẵng chỉ có 1-2 cái nhà hát mà buổi tối nào cũng thấy tối om...

Trên cơ sở, mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, thành phố du lịch và thực hiện Chương trình “Năm văn hóa – văn minh đô thị”, ông Thương đề nghị “ngành Văn hóa – Du lịch nói chung và Nhà hát Trưng Vương nói riêng phải làm ra sản phẩm, không thể để cả tháng trời chỉ có một vài buổi hát “ha ha, hê hê” là không được, không ổn”.  

...và liên tục treo bảng quảng cáo giới thiệu sản phẩm cho các Cty cũng như cho thuê tổ chức các sự kiện. 

Lối đi nào?

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, hiện tại nhà hát có 76 cán bộ nhân viên, trong đó có 43 người chuyên biểu diễn, còn lại là cán bộ quản lý và nhân viên. Mỗi năm ngân sách thành phố cấp khoảng 5 tỷ đồng để duy trì hoạt động và trả lương cho toàn bộ nhân viên, riêng năm 2014 ngân sách cấp 5,23 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo bảng giá cho thuê tổ chức sự kiện tại Nhà hát Trưng Vương, cứ mỗi buổi tổ chức có giá từ 15 – 25 triệu đồng, tùy theo đơn vị thuê cả trong và mặt trước nhà hát để quảng bá. Tuy nhiên, đến nay nhà hát Trưng Vương vẫn không thể hoạt động tự thu – tự chi được mà dựa vào nguồn ngân sách khá lớn từ thành phố. Điều này, cần xem xét lại hiệu quả hoạt động của nhà hát.

Tại buổi làm việc với ngành Văn hóa – Du lịch trong năm 2014, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho hay, mặc dù du lịch của thành phố phát triển, tuy nhiên, dịch vụ đi kèm chưa thể hài lòng du khách. Nhất là các điểm vui chơi, giải trí, điểm đến chưa nhiều, chưa hấp dẫn...

Vui chơi ban ngày thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách nhưng ban đêm còn rất hạn chế. Cả thành phố chỉ có một cái nhà hát nhưng ban đêm đèn luôn “tù mù”, hoạt động rất lèo tèo. Để Nhà hát thực sự là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách, Phó Bí thư đề nghị Sở VH-TT&DL tính phương án xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương.

Với chức năng là cơ quan tham mưu về tổ chức bộ máy cán bộ công nhân viên chức cho thành phố, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận, nên xem lại mô hình hoạt động của Nhà hát Trưng Vương, xem lại người có đủ khả năng để phục vụ hay không?

Cần thiết xem xét lại thái độ của người đứng đầu, hoặc tổ chức thi chức danh Giám đốc Nhà hát Trưng Vương. Khi nguồn nhân lực thích hợp, có những nhà quản lý nghệ thuật giỏi, tạo được sức hút với khán giả, thì lập tức Nhà hát sẽ hiệu quả và ngày càng thu hút người dân và du khách đến để thưởng thức món ăn tinh thần, ông Thương cho hay.

Người trong nghề tại Đà Nẵng - các đạo diễn, nhạc sĩ... – thừa nhận do đặc thù cũng như các thói quen của Đà Nẵng nên các hoạt động văn hóa văn nghệ chưa thể khởi sắc xứng tầm với một đô thị lớn. Nhưng không phải vì thế mà chấp nhận. Đã đến lúc cần có một hướng đi mới cho Nhà hát Trưng Vương cũng là một “bộ mặt” cho nền văn hóa thành phố.

Xuân Đương