Hương sắc làng nghề những ngày cận Tết

Thứ ba, 30/01/2024 09:35
Các làng nghề trên địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đang tích cực sản xuất các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây cũng chính là thời điểm vàng để bà con tăng thu nhập dẫu năm nay một số làng nghề gặp khó khăn bởi thời tiết không thuận lợi.
Người dân thôn Bàn Tân tận dụng sân trống, hút nắng để phơi hương.
Bà Dương Thị Liên tráng bánh liên tục để đủ số lượng bán dịp Tết.

“Cháy” hàng bánh tráng dịp Tết

Với người dân xứ Quảng, bánh tráng là món không thể thiếu trong bữa cơm dịp lễ Tết. Với người dân Đại Lộc, bánh tráng còn là món quà dành cho khách phương xa. Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, người dân làng bánh tráng tại xã Đại Sơn lại tất bật thổi lửa, xay bột, tráng bánh để kịp phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Từ sáng sớm, các lò tráng bánh đỏ lửa, khói mờ lan tỏa làm ấm cả vùng quê ven sông.

Trong các loại bánh tráng, bánh tráng cuốn Đại Lộc nức danh khắp cả nước. Làm bánh tráng cuốn cũng kỳ công hơn so với các loại khác bởi thời gian tráng bánh lâu, tỉ lệ pha bột phải chuẩn và độ dày đồng đều thì bánh mới ngon. Là đặc sản và không thể thiếu trên mâm cơm dịp Tết nên bánh tráng cuốn Đại Lộc cũng “cháy hàng” những ngày này. Dù đã tăng công suất nhưng bánh làm bằng thủ công nên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đã làm nghề tráng bánh hơn 10 năm, ông Phan Thành Công (66 tuổi) chia sẻ, chỉ bỏ mối quen tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và bán cho bà con quanh vùng nhưng vẫn không đủ để bán. “Mọi năm trước tôi tráng đến 30-40 kg bột để phục vụ thị trường ngày tết nhưng hiện tại mỗi ngày tôi chỉ tráng từ 10-20kg vì tuổi đã cao”, ông Công nói thêm.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết, làng bánh tráng Đại Lộc đã tất bật ngày, đêm nhưng thời tiết lại không thuận lợi nên số lượng vẫn còn hạn chế. Nếu như thời tiết ủng hộ, một ngày bà Dương Thị Liên (60 tuổi) tráng được 200-300 cái bánh. Dù thương lái đặt hàng nhưng bà không dám nhận nhiều vì trời ít nắng. Mưa nhiều khiến những người tráng bánh như ông Công, bà Liên đứng ngồi không yên.

Khó khăn là vậy nhưng người dân nơi đây vẫn miệt mài ngày đêm cho ra những chiếc bánh mang thương hiệu nổi tiếng “Bánh tráng Đại Lộc” phục vụ cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nghề làm hương vào vụ Tết

Không chỉ làng nghề bánh tráng Đại Lộc tất bật vào dịp cận Tết mà làng hương Bàn Tân (xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) cũng đang chạy đua với thời gian để kịp số lượng đáp ứng thị trường. Với truyền thống lâu năm, nghề làm hương ở thôn Bàn Tân không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ sản xuất mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt bao đời nay.

Người dân thôn Bàn Tân tận dụng sân trống, hút nắng để phơi hương.

Dọc con đường vào thôn Bàn Tân không khó để bắt gặp sắc đỏ, sắc hồng của những bó chân hương nhuộm kín cả hai bên lề đường, các bãi đất trống… Mùi trầm phảng phất trong gió tạo nên nét đặc trưng của làng nghề. Trước chỉ vài hộ làm hương thủ công để bán nhưng nay, làng hương Bàn Tân có hơn 10 cơ sở hoạt động sản xuất hương. Có máy móc hỗ trợ nên hương nâng cao được năng suất, gia tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh trên thị trường. Hương Bàn Tân hiện đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp hương cho Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng.

Nghề làm hương sản xuất quanh năm nhưng cuối năm là chính vụ. Những ngày này, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương, sôi động hơn, sản lượng hương tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Để ra thành phẩm một bó hương từ những khúc gỗ Dó Bầu là cả quá trình, cần sự tỉ mỉ của người thợ. Nguyên liệu được làm sạch sẽ, loại bỏ đi phần tạp, xỉa bỏ phần gỗ trắng ảnh hưởng đến mùi hương. Sau công đoạn này là những miếng trầm sánh mỏng, dày đặc vân tinh dầu trầm hương ở hai mặt. Đây cũng chính là nguyên liệu để sản xuất ra những nén nhang trầm thơm nguyên bản.

Hàng chục năm gắn bó với nghề, bà Võ Thị Xí (55 tuổi), cơ sở hương trầm Thành Ngân, cho biết, ngày Tết năng suất tăng hơn gấp đôi, thợ đều phải tăng ca để kịp phục vụ thị trường. Dù vậy, giá hương vẫn không đổi so với ngày thường. Khó khăn nhất hiện tại đối với người làm hương là thời tiết mưa, hương không thể phơi khô.

Năm mới sắp đến cũng là lúc các làng nghề trên địa bàn huyện Đại Lộc tất bật chạy đua với thời gian để kịp hàng Tết phục vụ người tiêu dùng. Dịp này cũng là lúc kiếm thêm thu nhập để đón một cái tết đủ đầy hơn, mặc dù còn có khó khăn về thời tiết nhưng bà con làng nghề nơi đây vẫn vui vẻ, làm việc miệt mài ngày đêm.

LÊ QUYÊN – TRÚC LAM