Hướng tới một nền giáo dục đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm
(Cadn.com.vn) - Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM) với chủ đề “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” do Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP Huế đã bế mạc vào ngày 31-3.
Tiếp theo những chủ đề quan trọng đã được thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên về vai trò của giáo dục (GD) và nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI vì mục tiêu phát triển bền vững, cơ hội và thách thức của các bên liên quan, thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và Châu Âu, sáng 31-3, Hội nghị ASEM tiếp tục trao đổi, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hành động thúc đẩy hợp tác giữa 2 châu lục Á – Âu trong GD và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.Các đại biểu quốc tế cũng như trong nước đều cho rằng,GD là nhân tố then chốt thúc đẩy sáng tạo, xóa đói nghèo, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của GD, nhất là giáo dục bậc cao, học tập suốt đời, GD dạy nghề. Đồng thời, kêu gọi nâng cao chất lượng thị trường lao động cho thanh niên thông qua cải cách cơ cấu và đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy việc làm và khởi nghiệp cho thanh niên...
Sau 2 ngày làm việc, đại biểu 53 thành viên ASEM đã thống nhất một số nội dung cơ bản. |
Hội nghị có 17 bài tham luận do các diễn giả Việt Nam và quốc tế trình bày, chia sẻ kinh nghiệm ở cấp độ quốc gia và quốc tế ở từng nội dung theo các chủ đề. Phát biểu bế mạc tại Hội nghị ASEM, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi đánh giá cao sự tham gia và đóng góp ý kiến của quý vị tại hội nghị này. Đây là minh chứng rõ ràng về cam kết của các thành viên ASEM đối với GD sáng tạo và ĐT nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”. Qua các báo cáo và ý kiến thảo luận, hội nghị đã thống nhất được một số nội dung cơ bản. Một là, đẩy mạnh tiếp cận liên ngành trong GD- ĐT nhằm phát triển con người toàn diện, tạo cơ hội học tập suốt đời gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, là thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc xây dựng chương trình GD- ĐT gắn với việc lồng ghép, tích hợp các kỹ năng cần thiết ở các cấp học và trình độ đào tạo trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa của thế kỷ XXI. Thứ ba, là thu hẹp khoảng cách phát triển về GD sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa các thành viên ASEM; tăng cường GDSTEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học- P.V) và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong đổi mới GD- ĐT. Thứ tư, là đa dạng hóa các hình thức liên kết và hợp tác, tăng cường hợp tác Công-Tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong GD- ĐT, xây dựng và triển khai “Chương trình nghị sự Kỹ năng ASEM Thế kỷ XXI”. Nội dung cuối cùng là thiết lập mạng chia sẻ thông tin về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, Việt Nam đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT nhằm hướng tới một nền GD hiện đại, hội nhập quốc tế với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thiện hệ thống GD quốc dân; đổi mới chương trình ĐT và trình độ ĐT; đổi mới phương pháp dạy học, thi và đánh giá; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý… Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, hiện Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT. Trên cơ sở những kết quả của hội nghị, Bộ sẽ tham khảo để áp dụng, triển khai trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam. “Nhằm hướng tới một nền GD hài hòa, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu của thế giới việc làm, mỗi một thành viên ASEM cần phải nỗ lực hơn nữa và luôn luôn đổi mới trong quá trình thực hiện. Những hội nghị ASEM như hội nghị lần này là cơ hội để chúng ta thiết lập mạng lưới hợp tác ở các quy mô khác nhau: từ hợp tác song phương giữa các thành viên ASEM đến những liên kết giữa các cơ sở GD- ĐT. Mạng lưới hợp tác như vậy góp phần nâng cao chất lượng ĐT nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của mỗi thành viên, mỗi châu lục và rộng hơn là toàn thế giới”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn.
Hội nghị đã hoàn thành mục tiêu, nội dung, chương trình, báo cáo tổng kết là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 (ASEAMME6) dự kiến tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 11-2017; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào tháng 11-2017 và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào năm 2018.
H.Lan