Hướng tới mục tiêu cộng đồng không rác thải nhựa
Khẩn trương thực hiện các giải pháp giảm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu cộng đồng không rác thải nhựa là nội dung chính được trao đổi tại tọa đàm Môi trường - Rác thải nhựa do Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 13-6.
Ông Nguyễn Thành Lam- Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất, tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa; nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu (khoảng 80%), trong đó bao gồm phế liệu nhựa nhập khẩu. Hiện nay, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 5-10% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, chất thải nhựa tại thành phố chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác.
Chia sẻ về tác động của rác thải nhựa, bà Nguyễn Thu Trang- Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: Sản xuất nhựa năm 2016 tạo ra 2 tỷ tấn CO2, tương đương 6% tổng lượng khí CO2 phát thải hàng năm toàn cầu, có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2030 do việc duy trì các cách xử lý rác hiện tại. Rác hữu cơ lẫn nhựa khi phân hủy thiếu không khí (yếm khí) có thể sinh ra khí metan, gây cháy âm ỉ tại các bãi rác sinh ra dioxin, furan, đốt nhựa ngoài trời hoặc trong điều kiện nhiệt độ dưới 1.000 độ C cũng là nguồn sinh ra dioxin, furan, tác động rất lớn đến động thực vật cũng như sức khỏe con người. Chất thải nhựa sau khi thải ra môi trường sẽ tạo thành các sợi vi nhựa, mảng và màng vi nhựa theo nước ra sông, biển, làm ô nhiễm nước ở sông, suối, đại dương, nước ngầm, ô nhiễm không khí. Mỗi năm chúng ta mất khoảng từ 500 đến 2.500 tỷ đô la Mỹ do tác động của rác thải nhựa lên các đại dương, tương đương với trung bình 312 đô la Mỹ/người/năm.
Thông tin về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, ông Nguyễn Thành Lam cho biết: Bộ đang khẩn trương triển khai Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể đối với chất thải sinh hoạt đô thị: Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; sử dụng 100% túi ni- lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài về Việt Nam, không để lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài đưa về các làng nghề không đảm bảo điều kiện về công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ sẽ siết chặt việc quản lý các làng nghề tái chế nhựa hạn chế tối đa sử dụng phế liệu nhựa không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, tái chế tại các làng nghề; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp phế liệu nhựa vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện các giải pháp hạn chế rác thải nhựa. Chương trình ERASMUS+, Liên minh Châu Âu đã tài trợ thực hiện dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông Nam Á - Châu Âu nhằm nâng cao năng lực đào tạo, giáo dục về tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam, tập trung về chất lượng, an toàn, hiệu quả nguồn lực. Dự án thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2020 với 10 thành viên gồm các trường đại học và các đối tác công nghiệp chuyên ngành liên quan đến từ Lào, Việt Nam, Đan Mạch, Đức và Áo. Dự án tập trung tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp, các giảng viên, sinh viên về lĩnh vực tái chế nhựa, hỗ trợ quá trình tạo ra các sản phẩm nhựa và thay thế nhựa an toàn, thân thiện môi trường. Đến tháng 10-2020, dự án hỗ trợ thành lập hai Trung tâm đào tạo và nghiên về tái chế nhựa tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Lào.
Đại học Công nghiệp TPHCM là một trong 10 thành viên của Việt Nam tham gia Dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông Nam Á - Châu Âu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Anh- Giám đốc Viện Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết: Để thực hiện vai trò thành viên của dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông Nam Á - Châu Âu, Viện tổ chức các khóa tập huấn về tái chế nhựa, đánh giá vi nhựa trong sản phẩm và môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH của Châu Âu với mục đích nâng cao ý thức của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng cũng như các bên liên quan, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa.
Nguyễn Xuân Dự