Hưởng ứng ngày tim mạch thế giới 29-9: Bảo vệ trái tim từ những điều đơn giản nhất
Việc "lắng nghe tiếng gọi từ con tim" là cách nói riêng của tình yêu. Tuy nhiên, không phải lúc nào lắng nghe con tim cũng là một giải pháp hay, đặc biệt trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. "Chỉ hút thêm một điếu thuốc nữa thôi", "mai mình sẽ tập thể dục", "ăn gì chẳng được", "công việc trước đã"... là những điều thiếu kiên trì của lý trí thường được đổ lỗi cho "con tim". Tuy nhiên, những điều tưởng chừng nhỏ bé đó đã tạo cơ hội bệnh tim mạch (BTM) phát triển, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với hơn 17,5 triệu người tử vong mỗi năm; trong độ tuổi từ 30 - 70, cứ 10 người sẽ có 1 người tử vong vì BTM.
Ê-kíp bác sĩ Đơn vị tim mạch BVHMĐN cấp cứu thành công, cứu sống trường hợp bệnh nhân vỡ phình động mạch chủ bụng. Ảnh:P.V |
"Sát thủ" thầm lặng
BTM ít khi khởi phát một cách ngẫu nhiên và bất ngờ mà đó là kết quả của một quá trình. Quá trình này ngắn hay dài tùy thuộc vào điều kiện cơ thể và lối sống của mỗi người. Tuy nhiên, điều đáng nói là các triệu chứng của BTM ở giai đoạn đầu thường không đặc trưng và rất khó nhận thấy. Cho đến khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng và mang tính điển hình hơn thì bệnh đã bước sang giai đoạn nguy hiểm, lúc này việc điều trị trở nên phức tạp và rủi ro hơn. Phình động mạch chủ bụng (PĐMCB) xảy ra khi một đoạn động mạch chủ bụng phình lên như một túi nhỏ. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến PĐMCB, gồm xơ vữa động mạch, hút thuốc, tăng cholesterol, giới tính nam, di truyền... và có thể hình thành ở bất cứ người nào, nhưng thường gặp nhất ở nam trên 60 tuổi, có một hay nhiều yếu tố nguy cơ kể trên.
Phình động mạch càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Vỡ PĐMCB là một cấp cứu y khoa với nguy cơ tử vong lên đến 90%. Trường hợp bệnh nhân Đặng Vĩ H. (44 tuổi), nhập cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMĐN) trong tình trạng đau bụng dữ dội, nóng lạnh bất thường, sốt cao, đổ mồ hôi, bệnh nhân H. đã bị vỡ PĐMCB và cao huyết áp. Đây là ca bệnh khó, nguy cơ tử vong rất cao, đã được các bác sĩ BVHMĐN xử trí thành công bằng phương pháp mổ hở kinh điển để cứu sống bệnh nhân. Hay như trường hợp cô bé Y Nui mắc căn bệnh suy tim bẩm sinh dẫn đến nhiều biến chứng trong hệ tuần hoàn và hô hấp, đặc biệt làm cơ thể em suy dinh dưỡng trầm trọng. Khi hội chẩn, các bác sĩ BVHMĐN cho biết, em được phát hiện quá trễ, nếu để lâu thêm một chút hậu quả rất khó lường, thậm chí tỷ lệ tử vong cho ca phẫu thuật lần này lên đến 30%. Em đã được phẫu thuật miễn phí tại BVHMĐN và đã khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác.
Đột tử hay tử vong do BTM không còn là điều gì quá mới mẻ. BTM nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dàng dẫn đến nguy cơ đột tử do trụy tim hay nhồi máu cơ tim. Những biến chứng này nếu được chữa trị cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh như tàn tật, mù lòa... Do đó, việc chẩn đoán chính xác, phát hiện và điều trị sớm vẫn là cách kiểm soát hiệu quả nhất đối với các bệnh lý tim mạch.
Quan tâm từ những điều nhỏ nhất
Mỗi chúng ta đều có thể tự bảo vệ trái tim, quan tâm đến con tim của mình, để những người trẻ tuổi tiếp tục được sống và theo đuổi ước mơ của mình, để ông bà được khỏe mạnh và vui đùa cùng con cháu. Sức mạnh từ những điều giản đơn có thể tạo ra những thay đổi kỳ diệu như: tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; ăn ít muối; bỏ thuốc lá; kiểm soát tốt cân nặng; học cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của BTM; khám sức khỏe định kỳ,... Những bệnh nhân tim mạch hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao (người bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tăng liquid máu...) cần được phát hiện sớm và được điều trị bởi bác sĩ tim mạch.
Đặc biệt, đối với bệnh nhân cao tuổi, BTM càng đáng lo ngại hơn hết. Vì vậy, Ths. Bs Võ Nguyễn Quý Tuấn, BVHMĐN đã có lời khuyên: bệnh nhân tim mạch cao tuổi cần ngừng hút thuốc lá; ăn thực phẩm ít năng lượng, ít mỡ, ít mặn, ít đường, giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ; tập thể dục đều (ít nhất 30 phút mỗi ngày và hàng ngày); giảm cân nặng 5-10% của tình trạng hiện tại nếu vòng bụng lớn hơn 90cm với nam, 80cm với nữ... Người cao tuổi nên trang bị cho mình kiến thức về y tế, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể, hạn chế những thói quen có hại cho sức khỏe, thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế, bệnh viện là những biện pháp hữu hiệu để chống lại BTM.
Là chuyên khoa mũi nhọn của BVHMĐN, Đơn vị Tim Mạch (ĐVTM) không ngừng nỗ lực mang đến dịch vụ điều trị chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người dân khu vực miền Trung và du khách quốc tế. Trong 10 năm hoạt động, ĐVTM BVHMĐN đã thực hiện thành công hơn 10.000 ca can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim, góp phần vào việc ngăn chặn các biến chứng và bảo vệ tính mạng của người dân do BTM gây nên.
Hồng Nhật