Hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội : "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"

Thứ ba, 03/11/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong trái tim người dân Việt Nam suốt 60 năm qua luôn vang lên hai câu thơ đầy hào khí Đại Việt, dù nhiều người chưa biết tác giả thơ là ai:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Chỉ hai câu thôi mà tạo nên một khoảng lặng sâu xa trong máu huyết, kéo con người về với nguồn cội. Tôi cũng vậy, tôi đã thuộc nó từ thời còn là sinh viên Đại học Hà Nội hơn 40 năm trước, và đã mang theo nó suốt chặng đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc cho đến tận bây giờ. 

Có lẽ nhiều bạn đọc yêu thơ ít biết rằng, tác giả khi sinh nở hai câu thơ đó là một chàng trai làng Tân Tịch, H. Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, H. Tân Uyên, Bình Dương), miền Đông Nam Bộ chưa một lần đến thủ đô. Đó là hai câu thơ thuộc loại xuất thần, tuyệt bút trong bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ-chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ.

Bài thơ đã được Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm nhiều lần từ những năm 60 của thế kỷ trước và được tuyển vào nhiều tuyển thơ quan trọng như Nhà văn Quân đội  Kỷ yếu và tác phẩm (2000), Thơ về Hà Nội (1994), Tuyển thơ Thăng Long-Hà Nội Ngàn năm thương nhớ (2004), Tuyển thơ ngành Giáo dục (2005) và nhiều tuyển tập khác...

Bài thơ chỉ 16 câu, 4 khổ nên xin điểm toàn bài. Toàn bộ  tứ thơ lớn dồn đọng ở khổ thơ mở đầu: Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Nếu đứng riêng, khổ thơ là bài thơ bài siêu tứ tuyệt, khẩu khí theo mô-típ Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…  của Lý Thường Kiệt.

Chỉ khác thơ Nam quốc sơn hà... nói cái lý số, cái khí thiêng, chí thơ hướng ngoại, nói với kẻ thù; còn thơ Huỳnh Văn Nghệ nói cái chí, cái hào sảng hướng nội của tâm hồn người Việt. Có khi đọc nghe như cái say lẫm liệt của đoàn quân Tây Tiến trong thơ Quang Dũng. Khổ thơ thứ hai nói về lớp lớp người Việt liên tục nối nhau đi mở cõi phương Nam, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng/ mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ/ non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

Khổ thứ ba tác giả nhớ đến những âm điệu Việt, hương thơm quả Việt chung cội nguồn: Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ/ Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn/ Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ/ Mỗi lần man mác hương sầu riêng. Từ tiếng hát quan họ đến câu vọng cổ buồn là cuộc hành trình của giai điệu tâm hồn đoàn quân sầu xa xứ “hành phương Nam” mở đất. Từ hương quả vải Bắc Bộ đến hương vị sầu riêng phương Nam Bộ cũng là cuộc viễn chinh của thảo thơm lòng đất.

Ông Huỳnh Văn Nghệ. 

Đó là cách tổng kết lịch sử văn hóa bằng thơ rất lạ và cô đọng: Văn hóa Nam Bộ là sự mềm hóa, buồn hóa của văn hóa Đất Bắc do người mở cõi luôn xa nhà, xa quê, đêm đêm cô đơn bên bếp lửa rừng...  Nên hát thì ngậm ngùi vọng cổ...  Khổ kết bài thơ khẳng định rằng, dẫu rất nhớ quê hương bản quán, rất nhớ Thăng Long, muốn trở về quê, nhưng sứ mệnh Tổ quốc giao không thể quên: Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên/ Chinh Nam say bước quá xa miền/ Kinh đô nhớ lại… ôi đất Bắc/ Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Thơ Huỳnh Văn Nghệ dân dã, bộc trực như thốt lên từ tâm can mà thẳm sâu tình người, tình non nước vì cái ông cảm  tức là cái ông đang làm...

Ở Huỳnh Văn Nghệ tướng quân và thi sĩ đã hòa quyện với nhau làm một. Ông có một bài thơ rất hay về điều đó. Đây là đoạn thơ ngẫu hứng diễn tả rất nhuyễn tâm trạng của nhà thơ - chiến sĩ: Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/ Không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực/Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát/ Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…

“Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…” là hình tượng thơ cực đẹp mà Huỳnh Văn Nghệ tự họa về mình. Đánh giặc cũng say, cũng ngẫu hứng. Thơ cũng say, cũng ngẫu hứng. Huỳnh Văn Nghệ đúng là một con người rất lạ lùng, đầy cá tính. Ông đúng là một nhân vật huyền thoại, có thể viết thành nghìn trang tiểu thuyết, dựng thành phim truyện nhiều tập về ông (đã có bộ phim tài liệu chân dung ông). Ông là một trí thức thư sinh đi theo cách mạng nhưng lại  rất giỏi quân sự.

Từ chi đội trưởng, ông lên chức Tư lệnh Khu 7, là danh tướng chỉ huy quân lính đánh đâu thắng đó. Ông có tài ngoại giao thuyết phục. Ông đã vào tận dinh lũy Bình Xuyên thuyết phục Bảy Viễn về dự hội nghị Miền, giúp Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ giải quyết được “vấn đề Bình Xuyên” lúc đó. Ông là người bất khuất trong thời gian bị giặc giam cầm. Năm 1942, bị lộ, ông lánh sang Thái Lan hoạt động. Trên đất Thái chỉ gần 3 năm, ông tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về nguồn cội. Năm 1953 ra Bắc, làm đến chức Thứ trưởng, ông vẫn xin về Nam chiến đấu...

Nhưng lạ lùng nhất là chiến đấu liên miên, gian nan nguy hiểm thường trực như thế nhưng chất lãng tử, lãng mạn trong tâm hồn Huỳnh Văn Nghệ vẫn không hề vơi cạn. Ông sáng tác hàng trăm bài thơ được xuất bản thành tập, viết hàng mấy chục truyện ngắn, ký, bài báo mang dấu ấn tâm hồn chân thực, xúc động. Lúc còn sống ông viết hồi ký đăng báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam,… Sau khi ông mất (năm 1977), anh em Văn nghệ Đồng Nai, Bình Dương đã in tập thơ Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ do NXB Đồng Nai ấn hành năm 1998 và 2 tập văn xuôi Quê hương rừng thẳm sông dài và Những ngày sóng gió. 

Huỳnh Văn Nghệ mưu lược, bản lĩnh,  văn võ song toàn, tay gươm tay bút, đánh giặc và làm thơ, viết văn để đời như vậy nên đồng đội và nhân dân ngưỡng mộ, cảm phục. Ông là một tượng đài trong lòng dân Nam Bộ và cả nước. Vì thế, một nhà Lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ (ở xã Thường Tân, Tân Uyên, Bình Dương) được xây dựng; vì thế, năm 2006, các tập thơ Chiến khu xanh, Bên bờ sông xanh, Rừng thẳm sông dài của Huỳnh Văn Nghệ đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Đầu năm 2007, tỉnh Bình Dương phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp. Tại TX Thủ Dầu Một, có con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ. Và cũng để tưởng nhớ vị tướng, thi sĩ tài hoa của mình, tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập Giải thưởng VĂN học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh... Năm nay Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ trao lần thứ 3 với giá trị giải nhất 50 triệu đồng...

Đó là những tri ân của cuộc đời đối với ông. Quy luật cuộc sống là vậy. Nhân dân biết rất rõ và đối xử rất công tâm đối với công trạng của những người hết lòng vì dân, vì nước. Tất nhiên những tri ân đó không thể sánh được với những gì ông để lại, nhất là 2 câu thơ tuyệt bút để đời: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…

Ngô Minh