Hương vị quê nhà, đậm đà ngày xuân

Thứ bảy, 14/01/2023 13:28
Ai đang trên hành trình bắc - Nam mà ngang qua Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị) những ngày này đều cảm nhận được sự nồng nàn hương vị quê nhà tỏa ra từ các lò mứt gừng tất bật ngày cao điểm. Mỗi năm chỉ đỏ lửa hơn 1 tháng cận Tết nhưng làng nghề truyền thống Mỹ Chánh luôn là niềm đón đợi của người dân, nhất là người xa xứ nhớ thương gia đình dịp Tết đến.
Mứt được rim xong đã ra màu vàng đẹp mắt, thơm nồng.
Người rim gừng dõi theo từng mẻ.

Nhắc đến đặc sản của làng Mỹ Chánh là nghĩ ngay đến bánh lọc nổi tiếng được người dân làm bán quanh năm mà mỗi dịp lễ, tiệc hay đi xa về ai cũng đều muốn có làm quà. Bánh lọc Mỹ Chánh ngon đặc trưng, là bởi bí quyết và sự khéo léo của thợ làm bánh nơi đây. Nhưng đặc biệt không kém mỗi dịp Tết về vẫn là đặc sản mứt gừng mà nhà nhà đều muốn bày dọn trong ngày Tết.

Ngậm một lát gừng Mỹ Chánh vàng ruộm, lập tức sẽ thấm vị cay, nồng vừa phải, lại nghe rất giòn. Sự khó tả ấy lại chính là gợi nhớ hương vị mà những lò mứt gừng truyền thống lâu năm như Mỹ Chánh có được. Đảm trách công đoạn đứng bếp rim gừng (còn gọi là sên), đôi bàn tay bà Võ Thị Ánh thuần thục, mềm dẻo đảo cả chục mẻ một lúc khẳng định sự dày dạn kinh nghiệm sau ngót nghét gần 40 năm gắn bó với nghề này. Người đứng bếp phải canh độ củi để không được già lửa, cũng phải sên đều tay để gừng không bị cháy mà cho ra mẻ gừng vừa đẹp mắt lẫn đậm hương nồng.

Ở phía bên cạnh, đội thợ bào, thái gừng vẫn đang thoăn thoắt. Không khí lao động vô cùng hăng say và khẩn trương để cho kịp những đơn hàng khắp tỉnh và cả nước. Tại cơ sở làm mứt do ông Hồ Ngọc Tuấn làm chủ, nhiều lao động hào hứng cho biết đã gắn bó với cơ sở này nhiều năm qua. Chia sẻ về nghề, ông Tuấn cũng nhấn mạnh khâu chọn nguyên liệu đầu tiên rất quan trọng, gừng không già cũng không quá non và những khâu tiếp theo đều yêu cầu sự kỳ công, tinh tế và kinh nghiệm. Không riêng gì cơ sở ông Tuấn, mà các hộ của thôn Mỹ Chánh có lò làm mứt đều gắn bó bằng tất cả sự nghiêm túc, tâm huyết với nghề, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mứt được rim xong đã ra màu vàng đẹp mắt, thơm nồng.

Qua nửa tháng Chạp, là cao điểm cho mùa mứt nên lao động tập trung tại mỗi lò có khi lên đến vài chục người, góp phần giải quyết nhu cầu lao động lúc nông nhàn. Có thể thấy, lao động chủ yếu là người dân của thôn, với tất cả niềm tự hào làng nghề mà chăm chút cho sản phẩm quê hương thêm vang xa. Các hộ cũng ký cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường khiến người tiêu dùng thêm tin tưởng. Với niềm phấn khởi, Lãnh đạo UBND xã Hải Chánh cho biết, hiện nay cả thôn Mỹ Chánh có trên 20 hộ dân sản xuất mứt gừng lâu năm với tổng sản lượng ước đạt từ 60-70 tấn mứt được bán ra khắp các thị trường chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán. Hiệu quả kinh tế từ nghề này là rất rõ rệt. Chính quyền cũng luôn quan tâm, hỗ trợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Và người dân làng nghề Mỹ Chánh đang viết tiếp câu chuyện đẹp đẽ về nét truyền thống, về quê hương mà ai nấy đều thấy ấm áp trong niềm vui xuân mới an lành.

Bảo Hà