Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch

Thứ hai, 28/05/2018 09:42

Ngày 27-5, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) với chủ đề: "Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch". Dự lễ có Gs.Ts Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, ông Kidong Park -Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ sở y tế, trường học và 1.000 thanh niên, sinh viên trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành cùng thanh niên, sinh viên tại TP Đà Nẵng nói không với thuốc lá.

7 triệu ca tử vong do thuốc lá mỗi năm

Nạn dịch thuốc lá toàn cầu hiện đang giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Gần 80% trong số hơn 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh nguy hiểm như đột quỵ - căn bệnh hiện đang gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 24.000 tỷ đồng/năm.

 Ông Kidong Park cho rằng, theo thống kê, hiện tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm khoảng 45%. Đây là một tỷ lệ người hút thuốc cao hơn so với trung bình thế giới. Với những quyết sách của Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan, đang phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam giảm xuống còn 39%. Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, các ngành chức năng cần quy định cụ thể về môi trường không khói thuốc; tăng thuế đối với thuốc lá cao hơn nữa để hạn chế người hút thuốc; đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân biết tác hại to lớn của thuốc lá để không hút thuốc lá và cai bỏ thuốc lá… Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các cơ quan, đơn vị có quy định về cấm hút thuốc cũng như có biện pháp quản lý đối với người hút thuốc, nhất là nơi công cộng. Tổ chức Y tế thế giới cam kết luôn đồng hành cùng với Việt Nam trong nỗ lực điều giảm tỷ lệ hút thuốc đến mức thấp nhất.

"Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá", ông Kidong Park cho biết

Gs.Ts Nguyễn Viết Tiến khẳng định: "Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ để tuyên chiến với thuốc lá. Đặc biệt, là xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm ngăn ngừa khói thuốc trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước", Gs.Ts Tiến cho biết.

Hãy nói không với thuốc lá!

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc quản lý Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do giá thuốc của Việt Nam vẫn còn rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Giá của mỗi bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo dữ liệu toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. "20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên sản phẩm thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên", PGS.TS Khuê cho biết.

 Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, sức khỏe là điều kiện tiên quyết để mỗi người học tập, lao động và xây dựng đất nước. Tuy vậy, tình trạng hút thuốc lá của người trong độ tuổi lao động là khá lớn. Thuốc lá đã gây ra bệnh tật và khiến cho khoảng 40.000 người tại Việt Nam tử vong mỗi năm. Bên cạnh đó, các căn bệnh liên quan do thuốc lá gây ra cũng không phải là ít, tác hại của nó là vô cùng to lớn nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan. Chính vì vậy, Bộ Y tế mong muốn các cá nhân, cộng đồng cùng chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn ngừa thuốc lá trong thanh thiếu niên nói riêng và trong nhân dân nói chung; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của việc hút thuốc chủ động và thụ động đối với sức khỏe tim mạch. Đồng thời truyền thông điệp đến với thanh niên, sinh viên là hãy kiên quyết nói không với thuốc lá.

Gs.Ts Nguyễn Viết Tiến kêu gọi: "Thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc, là căn nguyên gây nhiều bệnh lý nguy hiểm ở con người. Chính vì vậy, mọi người dân mà đặc biệt thế hệ trẻ hãy nói không với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người xung quanh, môi trường".

LÊ HÙNG