Huyền bí bảo vật Chămpa
* Kỳ 1: Ly kỳ vật cầm tay của Tượng Bồ tát Tara
Nguồn gốc phát hiện pho tượng
Ngược dòng lịch sử, vào năm 875, vị vua Indravarman II của vương triều Indrapura (Chămpa) đã cho xây dựng tại khu vực Đồng Dương (nay là xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam) một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ. Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.
Theo tư liệu khảo tả cho thấy, Trung tâm Phật giáo Đồng Dương là một cấu trúc dài 1.330m chạy theo hướng Đông - Tây. Trong khu vực này, có một đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m. Từ đó, một con đường dài 763m chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300m, rộng 240m). Tiếp đến, theo hướng Đông - Tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau.
Trong các lần khai quật khảo cổ học về sau này cùng với sự phát hiện của người dân, các nhà khoa học đã thống kê có 229 hiện vật, bao gồm: tượng Phật Thích Ca, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp và có cả những tượng thần Siva; nhưng đẹp nhất, đặc sắc nhất, hoàn hảo nhất vẫn là tượng Phật Bồ Tát Tara (Laksmindra - Lokesvara) bằng đồng cao 1,14m được phát hiện năm 1978, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á. Tượng được đúc bằng khuôn nhưng lại không có dấu vết khuôn đúc. Đến bây giờ các nhà nghiên cứu vẫn không lý giải được điều này. Có giả thuyết cho rằng, tượng được đúc bằng khuôn sáp, một kỹ thuật độc đáo mà đến nay đã thất truyền.
Và tượng Phật Bồ Tát Tara được phát hiện bởi một người dân ở làng Đồng Dương. Chuyện rằng, vào một ngày đầu tháng 8-1978, ông Trà Gặp cùng một số người khác khi đào gạch gần tháp Sáng, đã tìm thấy pho tượng Tượng Bồ tát Tara bằng đồng. Phát hiện pho tượng, họ đập gãy hai vật cầm tay nhỏ có hình con ốc và bông sen ở 2 tay để xem thực hư về chất liệu. Ngay sau khi được phát hiện, pho tượng này đã được thu hồi, đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), sau đó được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho đến ngày nay. Duy chỉ có hai vật cầm tay là đóa sen và con ốc được nhóm dân làng thôn Đồng Dương giữ lại; sau đó được UBND xã Bình Định Bắc thu hồi, bảo quản, truyền từ đời chủ tịch xã này đến đời chủ tịch xã sau để cất giữ.
Vật và Tượng "đoàn tụ" sau 45 năm
Năm 1993, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã vào làm việc với chính quyền địa phương xã Bình Định Bắc và Ban đại diện nhân dân thôn Đồng Dương. Qua làm việc, người dân, chính quyền đồng ý bàn giao 2 chi tiết hoa sen và con ốc. Về phía Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thống nhất sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng Nhà Văn hóa thôn. Tuy nhiên sau đó, do không thấy phía Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thực hiện việc hỗ trợ nên nhân dân thôn Đồng Dương không thống nhất bàn giao 2 chi tiết hiện vật trên; đồng thời kiến nghị chuyển Tượng Bồ tát Tara về trưng bày, lưu giữ tại di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Mãi đến năm 2019, trên cơ sở đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, đồng thời nhận thấy việc liên quan đến 2 chi tiết thuộc Tượng Bồ tát Tara khá phức tạp, thời gian kéo dài đã gần 40 năm, do đó, ngày 22-5-2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 2846 giao Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND H.Thăng Bình tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc. Qua đó, chính quyền và người dân địa phương đã đồng ý chuyển giao 2 chi tiết của Tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận, bảo quản tạm thời. Đến ngày 20-5-2020, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam có Công văn số 554 báo cáo UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL xin ý kiến xử lý việc giao 2 chi tiết trên cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
Đến ngày 26-5-2020, Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL) có Công văn số 328, trong đó đề nghị Sở VH-TT&DL tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thực hiện sưu tầm 2 chi tiết nêu trên bằng phương thức tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao theo quy định.
Trên cơ sở ý kiến của Cục Di sản văn hóa, để Tượng Bồ tát Tara được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã có công văn kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương chuyển giao 2 chi tiết con ốc và hoa sen từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đồng thời, có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng thống nhất và chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam để thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa; đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc khen thưởng cho nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc về thành tích phát hiện, giao nộp các hiện vật nêu trên.
Trước đề xuất trên, ngày 7-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 6025 gửi UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương chuyển giao 2 chi tiết con ốc và hoa sen nêu trên từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; đồng thời chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam để thực hiện thủ tục tiếp nhận, chuyển giao hiện vật thuộc bảo vật quốc gia theo đúng quy định.
Sau 45 năm "thất lạc", 2 vật cầm tay đóa sen và con ốc đã được "đoàn tụ" về với Tượng Bồ tát Tara huyền bí.
Chi tiết về đóa sen và con ốc, theo các chuyên gia, vật thứ nhất là một bông sen nở gồm 5 cánh đều đặn ôm gọn sát một bát sen tròn bên trong. Bông sen này tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương, sự sinh sôi nảy nở. Vật thứ hai là con ốc biển, tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, là vũ khí để thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài vật trên thế gian. Các hiện vật cầm trên tay Tượng Bồ tát Tara mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của Vương quốc Chămpa thời kỳ Indarvarman II. Đó là sự tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau của Phật giáo và Ấn Độ giáo. |
BÃO BÌNH