Huyền bí sơn mài Vũ Trọng Thuấn

Thứ sáu, 22/12/2017 09:00

Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập studio Vũ Trọng Thuấn (2012-2017), chiều 22-12, chi nhánh Nhà xuất bản Hội nhà văn miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng phối hợp cùng họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tổ chức triển lãm phòng tranh mang tên “Huyền bí”. Triển lãm trưng bày khoảng 30 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, gồm nhiều thể loại sơn mài trên vóc, Arcrylic trên bố... với các đề tài đất nước, con người, tình yêu cuộc sống.

  Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (giữa) với thân hữu tại Studio Vũ Trọng Thuấn.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn quê Hải Phòng, học mỹ thuật và trưởng thành tại Sài Gòn. Sau nhiều năm sống và làm việc tại Paris (Pháp), ông trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003, Vũ Trọng Thuấn có cuộc triển lãm “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm TPHCM, với những ấn tượng không chỉ vì kích cỡ của các bức tranh khổ lớn, mà người xem cảm nhận chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người nhiều năm tháng tha hương. Cách đây 5 năm, ngày 23-12-2012, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn khai mạc phòng tranh La tour Eiffel (nay là studio Vũ Trọng Thuấn) của ông tại 277 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng–như là điểm dừng chân của cuộc rong chơi sắc màu, dằng dặc những biến động nội tâm… Nơi đây, một không gian khá lý tưởng để người thưởng ngoạn có dịp tiếp cận với những bức tranh có kích cỡ từ 1,2 m đến 12 m. Đó là những chùm tác phẩm ngẫu hứng về thiên nhiên ẩn chứa một ngôn ngữ an nhiên, thư thái và trong trẻo đến hồn nhiên như: Ám ảnh, Giấc mơ, Ấn tượng mùa đông Paris... thể hiện sự chuyển hóa của những gam màu lạnh.  Đặc biệt, lần này, với chủ đề “Huyền bí”, Vũ Trọng Thuấn cho ra mắt loạt tác phẩm mang tâm trạng đầy trăn trở, như những nỗi niềm chấp chới đọng lại của người nghệ sĩ trong cuộc chơi kỳ ảo không ngớt gọi mời. Đó là: Đất nước tôi (Acrylic trên vóc sơn mài, 2,5x 12m), Yêu (Acrylic trên vải bố, 120x80), Ám ảnh Acrylic trên vải bố (80x100), Xe lăn (Acrylic trên vải bố,100x100)... Ở một vài tác phẩm khổ lớn bằng sơn mài cùng chất liệu tổng hợp thể hiện một thiên nhiên náo nức, hào sảng và mang đậm bản sắc thâm thúy phương đông.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn Tự bạch: “khởi đầu bước vào con đường nghệ thuật, tranh của tôi cũng là vẽ thực, nhất là thời gian ở Pháp, chủ yếu phải sống bằng loại tranh thương mại. Tuy nhiên, từ lúc quyết định không vẽ tranh để bán nữa, tôi nhận ra mình phù hợp với khuynh hướng trừu tượng hơn…”. Rõ ràng, trong tranh trừu tượng, màu sắc, đường nét hòa quyện với nhau tác động tới người xem những cảm xúc hay ấn tượng nào đó một cách rất cụ thể. Trừu tượng vốn chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, chứ không phải cứu cánh. Trả lời câu hỏi vì sao chọn thành phố Đà Nẵng làm điểm dừng chân, họa  sĩ Vũ Trọng Thuấn nói: “Tôi như một con gà chơi nhởi kiếm ăn khắp nơi nhưng dứt khoát khi đến kỳ “nhảy ổ” thì phải chọn cho mình một nơi chốn vừa ý để sinh nở. Với tôi, Đà Nẵng là một sự chọn lựa không có gì tuyệt vời hơn. Con gà là tôi đã đẻ ra hàng loạt tác phẩm hội họa đủ các kích cỡ, đặc biệt là những bức tranh khổ lớn dài tới 10, 12m. Tôi làm việc một cách miệt mài, cảm xúc luôn dâng trào trong niềm hạnh phúc của sáng tạo. Thú thật, chưa bao giờ được vẽ bằng một sự hứng khởi mạnh mẽ như thế...”.

Suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, Vũ Trọng Thuấn từng thử sức trên nhiều thể loại, chất liệu sáng tác khác nhau, nhưng tranh sơn mài - chất liệu đòi hỏi người sáng tạo phải mất rất nhiều công sức - luôn tạo cho ông nguồn cảm hứng đặc biệt. Gần đây, ông rất tâm đắc để chứng minh cho những thử nghiệm trước đó về sử dụng chất liệu mới của  sơn mài một cách hiệu quả. Thay vì vẽ tranh sơn mài trên vóc làm từ gỗ theo kiểu truyền thống thì bây giờ ông thay đổi làm vóc từ vật liệu mới đầy sáng tạo vừa kế thừa truyền thống vừa mở ra một cách thể hiện mới, giúp họa sĩ thỏa mãn tư duy khám phá, bay bổng. Đây là những thử nghiệm đã hơn 10 năm nhưng chính khi thực nghiệm tại Đà Nẵng, nhất là thực hiện trên những tấm vóc làm tranh cỡ lớn đã giúp ông khẳng định giá trị của sự tìm kiếm chất liệu mới này.

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hưng nhận định: “Hội họa với Vũ Trọng Thuấn, nói như anh, là một nẻo về. Về với sự tĩnh lặng nơi tâm hồn mình sau gần hết một đời tất bật với những lo toan cùng hệ lụy. Nó đồng nghĩa với sự tự giải thoát khỏi những sân si trần tục. Ý hướng đó, không hiển nhiên, nhưng tự nhiên dẫn Vũ Trọng Thuấn vào hội họa “trừu tượng”. Một khuynh hướng sáng tác không hoặc ít bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn hiện thực. Vẽ trở thành một quá trình sáng tạo độc lập, với tính biểu xúc tự thân của ngôn ngữ tạo hình”. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ-Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, xem tranh của Vũ Trọng Thuấn ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân quen về quê hương được thể hiện bằng nét vẽ điêu luyện và cách sử dụng sắc màu độc đáo. Người xem còn cảm nhận, chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người con nhiều năm tha hương. Điều đáng quý là họa sĩ Vũ Trọng Thuấn không giữ những kỹ thuật vẽ cho riêng mình mà luôn chỉ dẫn và dìu dắt cho các họa sĩ trẻ. Ông sẵn sàng tặng những tấm vóc dùng vẽ tranh sơn mài cho các họa sĩ khác, dù những vật liệu này rất đắt tiền. Trở về nước và chọn sống ở Đà Nẵng, Vũ Trọng Thuấn muốn góp sức thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật thành phố.

Trong 5 năm qua, bên cạnh hoạt động sáng tác, Studio Vũ Trọng Thuấn còn là một địa chỉ quy tụ, trưng bày, giao lưu, tổ chức các trại sáng tác của giới mỹ thuật Đà Nẵng và khu vực, như ông từng tâm sự: “Đà Nẵng cho tôi quá nhiều làm sao kể hết. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với thành phố này.

TRẦN TRUNG SÁNG